Lực lượng Phòng thủ dân sự Syria dập lửa tại một nhà máy lọc dầu ở Aleppo, Syria sau vụ tấn công ngày 5/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/3 đã họp định kỳ hàng tháng về tiến trình chính trị Syria trong bối cảnh cuộc xung đột và khủng hoảng tại Syria đã diễn ra đúng một thập kỷ.
Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại giữa các bên tại Syria cũng như trong cộng đồng quốc tế.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình Syria, ông Geir Pedersen, cho rằng cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ và bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh địa chính trị trong xung đột, dẫn tới việc chưa tìm được giải pháp.
Đặc phái viên gọi tình hình hiện nay tại Syria là “một trọng những chương đen tối nhất của lịch sử đương đại” khi người dân trở thành nạn nhân của bạo lực, khủng bố, vũ khí hóa học, chia cắt, và khủng hoảng kinh tế.
Tuy tình hình an ninh trong một năm vừa qua được cho là ổn định nhất kể từ khi khủng hoảng bắt đầu năm 2011 nhưng bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của thường dân.
Với sự đình trệ như hiện nay, ông Pedersen nhấn mạnh rằng “tình trạng tuyệt vọng” của người dân Syria có thể kéo dài thêm cả thập kỷ nếu không có các nỗ lực ngoại giao quốc tế mang tính xây dựng song hành cùng tiến trình đàm phán giữa các bên tại Syria.
Ông cho rằng các bên tại Syria và quốc tế cần thay đổi cách tiếp cận, cân nhắc vấn đề trên bàn đàm phán một cách thực tế nhằm đạt các bước tiến cụ thể.
Đặc phái viên khuyến nghị thành lập một khuôn khổ đối thoại quốc tế mới để hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan điểm với thành viên Hội đồng Bảo an về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở Nghị quyết 2254 mà Hội đồng Bảo an đã đồng thuận thông qua năm 2015.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ cho rằng đã có nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ giải quyết tình hình tại Syria trong 10 năm vừa qua song chưa đạt được kết quả mong muốn do sự thiếu lòng tin giữa các bên.
Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể làm tình hình leo thang, duy trì tình trạng ổn định để phục vụ các nỗ lực đàm phán và tăng cường hỗ trợ cho Syria về mọi mặt nhằm vượt qua các thách thức hiện nay./.