Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt iốt ở Việt Nam.
9,8% trẻ từ 8-10 tuổi bị bướu cổ
Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2013-2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi là 9,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thanh toán tình trạng thiếu iốt mà Việt Nam đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi nhỏ hơn 5% và mức trung vị iốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.
Các nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2000-2010 đã chỉ rõ: Thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền nước ta đều có hàm lượng iốt không đáng kể nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cũng cho thấy chỉ có 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối iốt và 75% còn lại sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh...
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do giai đoạn trước năm 2005, Việt Nam thực hiện bắt buộc chương trình mục tiêu quốc gia bổ sung iốt. Tuy nhiên, ngay khi thanh toán được tình trạng thiếu iốt, quy định bắt buộc dùng bổ sung iốt bị bãi bỏ khiến độ bao phủ giảm đột ngột.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bướu cổ không còn, thiếu ngân sách để cung cấp nguyên liệu iốt trộn vào muối... Vì vậy, người dân cũng chuyển dần từ sử dụng muối iốt sang các loại bột canh hay hạt nêm không chứa iốt.
Thực tế, từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó quy định bắt buộc phải bổ sung iốt vào thực phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2017; tuy nhiên đến nay hầu như các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai tốt.
Tăng cường iốt vào các thực phẩm thiết yếu
Ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định iốt hóa muối ăn là giải pháp chiến lược của toàn cầu cũng như của Việt Nam. Tăng cường iốt vào thực phẩm thiết yếu đã được chứng minh là biện pháp đơn giản để bổ sung iốt nói riêng, vi chất dinh dưỡng nói chung trong bữa ăn hàng ngày.
Bà Đỗ Hồng Phương, Chuyên gia Chính sách dinh dưỡng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cho biết trong số 130 quốc gia trên toàn cầu quy định bắt buộc bổ sung iốt thì có 69 quốc gia (53%) yêu cầu sử dụng muối iốt cho thực phẩm chế biến.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu và công bố cho thấy không có sự thay đổi hữu cơ đáng kể nào với sản phẩm được sản xuất với muối bổ sung iốt (màu sắc, hương vị, cấu trúc). Ít nhất 100 quốc gia yêu cầu sử dụng muối iốt để chế biến thực phẩm...
Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu đánh giá sự thất thoát iốt trong quá trình lên men cá và nước mắm được sản xuất bằng muối iốt cũng như ảnh hưởng cảm quan của sản phẩm. Kết quả cho thấy việc lên men cá, làm nước mắm bằng muối bổ sung iốt là khả thi và duy trì được nồng độ iốt ở mức chấp nhận được. Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với nhiều nghiên cứu khác về việc sử dụng muối iốt để chế biến thực phẩm tương tự như ở Việt Nam.
Theo Bà Đỗ Hồng Phương, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm có giá thành thấp nhất, chỉ 0,06 USD/người/năm nhưng lại có nhiều ưu điểm như thuận tiện, dễ áp dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Tuy nhiên để biện pháp này đạt hiệu quả thì doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng với nhà nước đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Doanh nghiệp sẽ thu hồi chi phí sản xuất từ việc tính chi phí để tăng cường vi chất vào giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm cũng tăng không đáng kể, ở mức mọi người đều có thể chấp nhận được. Như vậy, người dân sẽ được thụ hưởng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe...
Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo thiếu iốt sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến phát triển, hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi. Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng...
Ở phụ nữ mang thai, thiếu iốt dễ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu mẹ thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Biểu hiện của tình trạng thiếu hụt iốt đơn giản chỉ là cảm giác người mệt mỏi, lờ đờ nên nhiều người không để ý.
Tình trạng thiếu iốt gây 5-10% trường hợp đần độn, 20-30% người mắc bệnh bướu cổ. Nhiều người bị thiếu năng lượng, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, việc sử dụng gia vị có bổ sung iốt trong nấu ăn, chế biến thực phẩm hàng ngày là biện pháp hiệu quả và bền vững để phòng ngừa thiếu hụt iốt.
Theo đó, nhu cầu iốt ở trẻ em theo khuyến nghị là từ 90-120 mcg/ngày, người lớn khoảng 150 cmg/ngày. Các rối loạn do thiếu iốt hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách bổ sung trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài muối iốt, các thực phẩm giàu iốt là các loại cá biển, rong biển, rau dền, rau cải xoong, tảo...