Như vậy đến nay, Việt Nam sẽ có 3 loại vaccine, bao gồm gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Covax và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều vắc xin Sputnik V cho Nga tặng và 500.000 liều vắc xin Sinopharm nói trên.
Ngày 3/6 vừa qua, Việt Nam đã chính thức cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19. Ngoài Sinopharm, Việt Nam đã cấp phép cho 3 loại vaccine khác, bao gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc sử dụng công nghệ virus bất hoạt, một công nghệ sản xuất vaccine truyền thống giống như sản xuất vắc xin sở, quai bị, rubella, đậu mùa…
Vaccine này được nghiên cứu từ tháng 2/2020, cuối tháng 4 cùng năm được phê duyệt thử nghiệm trên người.
Đến ngày 23/6, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.
Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.
Hiện tại Sinopharm đã cung cấp vaccine cho hơn 70 quốc gia và chương trình Covax với tổng hơn 450 triệu liều.