Trước khi khai trương Mytel, mục tiêu tham vọng của Viettel Global là đạt 2-3 triệu khách hàng trong năm 2018. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng khai trương, mục tiêu này đã được đổi thành 4 triệu khách hàng trong năm 2018 và hết năm năm 2019 Mytel sẽ có lãi.
Trong số hơn 3 triệu khách hàng đang hoạt động của Mytel, hơn 70% là khách hàng đang sử dụng dịch vụ 4G; đây cũng là tỷ lệ kỷ lục trong số các thị trường của Viettel trên toàn cầu.
Kết quả từ một cuộc khảo sát về thị trường di động mới tổ chức tại Myanmar cho thấy, hơn 90% số người được hỏi ấn tượng nhất với nhà mạng Mytel, gần 10% chia đều cho 3 nhà mạng đã có trước đó ở Myanmar. Bên cạnh đó, 94% người tham gia khảo sát biết Mytel là nhà mạng thứ 4 tại Myanmar và đến từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Mytel cho biết, việc vượt mốc 3 triệu khách hàng sau 3 tháng khai trương tại Myanmar còn đi kèm với các kết quả tích cực của việc cung cấp hệ sinh thái sản phẩm viễn thông cho doanh nghiệp.
Những điểm bán hàng của Mytel luôn đông nghịt người Myanmar |
Chỉ sau 1 tháng khai trương, tổng giá trị các bản hợp đồng từ khách hàng doanh nghiệp lên tới hơn 2,4 triệu USD, đồng thời Mytel phát triển được 30.000 khách hàng di động. Với tốc độ này, dự kiến tới cuối năm 2018, Mytel sẽ đạt được 200.000 khách hàng di động từ các doanh nghiệp. Đây cũng là một con số kỷ lục với một mạng viễn thông mới thường phải tập trung hoàn toàn vào các khách hàng cá nhân.
Tại Myanmar, Mytel là công ty viễn thông duy nhất có thể cung cấp gói dịch vụ hoàn chỉnh gồm di động, cố định, đường truyền, các dịch vụ công nghệ thông tin trên toàn quốc.
Việc nhanh chóng đạt được lượng khách hàng lớn từ khối doanh nghiệp là nhờ chiến lược chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng, bộ máy, dịch vụ cho thị trường doanh nghiệp trên toàn quốc từ trước khi khai trương.
Bên cạnh đó, Mytel đạt được ưu thế lớn nhờ hợp tác nhanh chóng với nhiều nhà phân phối lớn, đặc biệt là Skynet – đơn vị cung cấp truyền hình lớn nhất Myanmar. Với hơn 400 đại lý, 130.000 điểm bán và hơn 1 triệu khách hàng trên toàn quốc, Skynet là một cơ hội lớn của Mytel trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Có thể nói, trong số 10 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar là thị trường lớn nhất và được kỳ vọng nhất trong năm 2018 về tăng trưởng mặc dù trong thời gian đầu hoạt động, do chi phí và khấu hao rất lớn nên khoản lỗ kế hoạch của Mytel sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Viettel Global.
Dù vậy, với mốc 3 triệu khách hàng, Viettel đã đạt một kỷ lục mới về tăng trưởng tại Myanmar và là tốc độ nhanh nhất của Viettel trên toàn cầu trong lịch sử. Tại Việt Nam, Viettel phải mất hơn 18 tháng để cán mốc 3 triệu thuê bao và đây cũng là tốc độ tăng trưởng lịch sử trong ngành viễn thông năm 2006.
Tăng trưởng của Mytel cũng là tốc độ hiếm hãng di động nào trên thế giới có được trong bối cảnh thị trường viễn thông thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Dự kiến Mytel sẽ có lãi sớm và là thị trường đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Viettel Global trong tương lai.
Mytel là tên thương hiệu của Telecom International Myanmar – liên doanh giữa Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH).
Tổng vốn đầu tư của dự án này là 1,5 tỷ USD, chiếm tới 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Việt Nam từ vị trí số 10 vươn lên đứng thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN đầu tư vào quốc gia này (tính đến hết tháng 6/2017).
Tại Myanmar, Mytel là mạng di động thứ 4. Ba mạng khác là MPT của Nhà nước Myanmar, Telenor (Nauy) và Ooredoo (Qatar).
Myanmar là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài của Viettel tính đến thời điểm hiện nay (tốc độ tăng trưởng 7%) và cũng là thị trường có số dân đông nhất (53 triệu người). Myanamar cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
Từ một quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp nhất thế giới (chỉ sau Triều Tiên), sau khi mở cửa, tỷ lệ sim di động/người dân tăng từ 10% lên gần 90% chỉ sau 3 năm với 70% dân số dùng smart phone; tổng số lượng thuê bao data tăng từ 600.000 lên tới hơn 16 triệu.
Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế lên gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, cùng với tài chính – ngân hàng và năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin được đánh giá là miền đất hứa mới cho doanh nghiệp các nước, cả về tiềm năng thị trường lẫn nguồn nhân lực.