Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – bản chất của nCoV vẫn là coronavirus đã từng gây ra SARS-CoV và MERS-CoV. Hiện virus này đang có sự biến chủng khác nhau.
Viêm phổi do nCoV có cơ chế lây lan qua đường hô hấp, trong vòng 2m nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh, virus xâm nhập vào cơ thể.
GS. TS. Nguyễn Văn Kính cho hay: Về bệnh cảnh lâm sàng, bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) tương tự như SARS, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Nếu không được khống chế tỉ lệ tử vong là rất cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, virus gây bệnh viêm phổi cấp có nguồn gốc từ động vật nhưng vẫn chưa xác định được chủng của virus này. Hiện, đã có bằng chứng rõ ràng lây từ người sang người.
Đáng lưu ý, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh này. Do đó, để phòng lây nhiễm nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo:
Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp. - Ảnh minh họa: Internet |
Phòng bệnh ngoài cộng đồng
- Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt là khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi. Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy. Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ. Không hút thuốc lá.
- Vệ sinh môi trường: Duy trì không khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt. Tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông người, nơi không thoáng khí. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã; Tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Đối với các bệnh viện, để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch trong bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.
Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế. Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng). Khi phát hiện có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV đủ tiêu chuẩn nhập viện, chuyển người bệnh vào nơi thu nhận người bệnh đúng quy định.
Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn; quản lý chất thải; vệ sinh bề mặt...) và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí).
Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp; khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến khoa Khám bệnh (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp bằng poster, tờ rơi...).
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng lưu người bệnh nhiễm nCoV được thông khí tốt.
Có biển cảnh báo tại khu vực cách ly. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly. Tuân thủ phòng ngừa chuẩn. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn...
Có thể bố trí kíp nhân viên y tế riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc các người bệnh khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm.
Hạn chế di chuyển người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ra khỏi khu vực cách ly. Nếu cần vận chuyển, bố trí đường vận chuyển riêng, ít người lưu thông. Người bệnh và người nhà mang khẩu trang y tế, đặc biệt khi vận chuyển người bệnh ra ngoài khu vực cách ly.