Báo Người Lao Động đưa tin, phương pháp mới mang tên CF33 đã được giáo sư Yuman Fong, một chuyên gia Ung thư người Mỹ và các cộng sự tại công ty công nghệ sinh học Imugene của Úc thiết kế. Theo giáo sư Fong, thứ tạo nên CF33 chính là virus bệnh đậu bò (đậu mùa bò) được chỉnh sửa thành một dạng thức mới.
Những virus "thiết kế lại" này đã tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư thuộc nhiều loại ung thư khác nhau trong thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và sau đó giúp thu nhỏ rõ rệt các khối u trong thử nghiệm trên chuột.
Các nhà khoa học đang chuẩn bị cho bước thử nghiệm cuối cùng – thử nghiệm lâm sàng trên người. Họ tiết lộ một số bệnh nhân ung thư vú đang chuẩn bị bước vào thử nghiệm, và vào năm tới sẽ là những bệnh nhân bị dạng ung thư khác.
Bệnh nhân sẽ được tiêm một "dung dịch virus" vào thẳng khối u. Ngoài thành phần chính là virus bệnh đậu bò, dung dịch này còn chứa một số loại virus khác cũng có khả năng chống lại các tế bào ung thư.
Các tế bào ung thư đầu tiên bị nhiễm virus và tự hủy có thể đóng vai trò như một "cuộc gọi báo động", đánh thức hệ miễn dịch để nó hoạt động mạnh mẽ hơn, tiêu diệt nốt những tế bào bệnh còn lại.
Đậu bò hay đậu mùa bò vốn là căn bệnh tương tự đậu mùa ở người nhưng xảy ra trên bò. Khi con người nhiễm phải, họ cũng sẽ bị bệnh nhưng các triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa ở người rất nhiều.
Tuy có vẻ có hại nhưng đây không phải lần đầu tiên virus đậu bò cứu giúp loài người. Vào cuối thế kỷ 18, bác sĩ người Anh Edward Jenner, người đầu tiên nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh đầu mùa, đã dùng chính virus đậu bò để điều chế vắc-xin, sau khi quan sát thấy các công nhân vắt sữa từng bị đậu bò đã bất ngờ miễn nhiễm với đậu mùa.
Tế bào ung thư được sinh ra như thế nào?
Tế bào trong cơ thể chúng ta lớn lên và phân chia dưới sự điều khiển của nhân tế bào, đặc biệt vòng đời của tế bào phụ thuộc vào những “thông tin chỉ dẫn” nằm trong vật liệu di truyền: ADN ở trong nhân. Đôi lúc, ADN trong nhân tế bào bị tổn thương, lúc này ADN sẽ phản ứng lại bằng cách tự sửa chữa hoặc buộc tế bào đã bị hư hỏng này phải chết.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ADN liên quan trực tiếp đến sự phân chia của tế bào bị hư hại. Khi vấn đề xảy ra ở chính khu vực này, ADN không thể tự sửa chữa hay buộc tế bào chết đi. Chính vì vậy, các tế bào chứa ADN bất thường này sẽ được điều khiển nhân lên một cách vô tội vạ, không có kiểm soát, đây chính là những tế bào ung thư.
Với việc tập đoàn tế bào ung thư tăng nhanh về số lượng, thay thế dần các tế bào bình thường, khối u ác tính cũng sẽ hình thành. Khi khối u đạt đến một kích thước nhất định, nó sẽ phát triển các mạch máu mới để nuôi sống mình. Cũng vì các tế bào ung thư không gắn kết với nhau một cách chặt chẽ được như tế bào khỏe mạnh, chúng có thể tách ra và thâm nhập vào các mạch máu lân cận.
Các tế bào ung thư di chuyển trong mạch máu đến các vị trí khác như phổi, gan, xương… và hình thành các khối u mới, hiện tượng này được gọi là di căn. Một con đường khác để các tế bào ung thư phát tán đi khắp cơ thể chính là thông qua hệ bạch huyết. Cụ thể, các tế bào này sẽ thâm nhập vào các mạch bạch huyết nằm gần khối u, sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết. Nếu các tế bào ung thư vượt qua được các hạch này, chúng có thể di chuyển dễ dàng xuyên suốt hệ bạch huyết của cơ thể và hình thành các khối u mới, theo báo Dân Trí.