Ngày 18/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bà Dương Thị Bạch Diệp và các bị cáo liên quan đến vụ án hoán đổi đất công là Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Đại diện Viện Kiểm sát có ý kiến tranh luận trở lại với các luật sư, những người tham gia tố tụng. Viện Kiểm sát khẳng định để ký hợp đồng tín dụng ngày 31/12/2008 thì bị cáo Diệp đã ký hợp đồng thế chấp căn nhà 57 Cao Thắng, đảm bảo cho khoản vay 8.700 lượng vàng.
Bị cáo Diệp có đăng ký giao dịch đảm bảo quyển số 67, số đăng ký 013355 tại Trung tâm Thông tin Tài nguyên và môi trường và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Tiếp theo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt: Sổ đỏ) căn nhà 57 Cao Thắng do Agribank HCM quản lý và đến nay chưa được giải chấp.
Với những tài liệu này, Viện Kiểm sát khẳng định là tài sản 57 Cao Thắng đã và đang thế chấp đảm bảo cho khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank HCM liên tục từ năm 2008 đến nay chưa được giải chấp. Thực tế, không thể phủ nhận được đến tận thời điểm này bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cũng không có sổ đỏ căn nhà 57 Cao Thắng để giao cho nhà nước.
Hợp đồng công chứng, phần mềm quản lý bỗng dưng có sai sót?
Luật sư Phan Trung Hoài đã đối đáp các quan điểm trên của Viện Kiểm, để làm rõ căn nhà 57 Cao Thắng có được thế chấp một cách hợp pháp đúng theo ý chí của Công ty Diệp Bạch Dương mà đại diện là bà Dương Thị Bạch Diệp hay không thì vấn đề đầu tiên là ý kiến xuyên suốt trong các văn bản trả lời 1443 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Đây là những tài liệu đã diễn ra công khai tại phiên tòa cho đến ngày 26/3/2021 và trong quyết định 62 của TAND TP.HCM yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung thì ý kiến căn bản của đại diện Viện Kiểm sát căn bản là không phải là những tình tiết mới.
Luật sư Hoài cho rằng, công văn của Phòng Công chứng số 1 là bằng chứng xác thực đã trả lời rõ. Vậy thì chính tài liệu của Phòng Công chứng số 1 đã trình ra và phần mềm Master thể hiện ngày tạo lập và thực hiện ra số Công chứng là 16/1/2009. HĐXX phải đánh giá chứng cứ này và đánh giá lời khai của bà Vũ Thị Tuyết Cẩm có phù hợp không?
Luật sư Phan Trung Hoài lập luận, nếu công chứng tại số 2A Phó Đức Chính thì ông Nguyễn Đức Thắng không có mặt tại số 2A Phó Đức Chính mà một cán bộ Phòng Công chứng tên Cường đến làm việc. Như vậy, công chứng viên cũng không chứng thực trước mặt đương sự tại phòng công chứng. Và những tình tiết liên quan đến nội dung chứng thực 1538, quá trình thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo vào lúc 10h35 ngày 31/12/2008.
Bà Diệp khai tất cả tình huống để tạo ra tình tiết này không đúng là trong phiên tòa này luật sư đồng nghiệp đã hỏi bà Dương Thị Bạch Diệp là ngày 31/12/2008, Agribank HCM giải ngân 67.000 lượng vàng và quy ra tiền bằng 1.053 tỷ đồng về Ngân hàng Seabank. Lúc đó, tài sản thế chấp tại Seabank không có ở 57 Cao Thắng và không có 158 Hai Bà Trưng.
Chính vì vậy, những dấu hiệu bất thường này thể hiện ở chỗ Phòng Công chứng giải thích số chênh lệch công chứng tới 355 số công chứng. Phòng công chứng giải thích do nhiều hồ sơ nên cập nhật trên số công chứng bị lùi. Phần mềm Master của Bộ Tư pháp là phần mềm quản lý chính thức mà các Phòng Công chứng sử dụng và thể hiện khách quan đã được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa. Thể hiện ngày thiết lập là 16/1/2009 thì không có 10h35 phút ngày 31/12/2008 đưa hồ sơ này đến đăng ký giao dịch đảm bảo được.
Luật sư Phan Trung Hoài phân tích, là không chấp nhận việc tách vụ án này với vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Việc tách vụ án là vi phạm nghiêm trọng về mặt thủ tục tố tụng. Câu hỏi đặt ra là vì sao vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank chưa tiến hành điều tra kịp thời để làm sáng tỏ các giao dịch cho vay nợ giữa Công ty Diệp Bạch Dương và Agribank?
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Chủ tọa phiên tòa trả lời cho luật sư Phan Trung Hoài là bà Cẩm, ông Thắng không cần thiết phải triệu tập do đã có đơn và bảo lưu toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra. Do đó, lời khai có đúng, có khách quan hay không, HĐXX sẽ có đánh giá khi giải quyết vụ án nên không cần phải triệu tập đến tòa.
Tất cả những ý kiến khác của luật sư Hoài, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình giải quyết vụ án. Liên quan đến ý kiến cung cấp biên lai thu phí công chứng thì HĐXX sẽ đánh giá hồ sơ công chứng. Nếu thiếu phí này có đủ là một hồ sơ công chứng hay không? Do đó, cũng không cần thiết. HĐXX sẽ đánh giá chung tất cả hồ sơ liên quan đến vấn đề này.
Chứng cứ của Viện Kiểm sát là văn bản bị cáo gửi kiến nghị lên Phó Thủ tướng?
Đại diện Viện Kiểm sát tranh luận có hay không đối với việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng là tất cả các hồ sơ đưa ra tranh luận đều được đánh bút lục và đưa hồ sơ vụ án để HĐXX xem xét một cách toàn diện. Sau khi HĐXX yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án thì cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bổ sung thêm 3 tài liệu của Công ty Diệp Bạch Dương gửi cho Phó Thủ tướng thường trực, gửi cho Ban Nội chính, gửi cho đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an.
3 tài liệu này cũng đã được đánh dấu bút lục đưa vào để HĐXX xem xét. Nội dung văn bản này được thể hiện tài sản 57 Cao Thắng đang được thế chấp tại ngân hàng. Viện Kiểm sát nêu lại để HĐXX đánh giá một cách khách quan và khẳng định việc truy tố bị cáo là có căn cứ.
Viện Kiểm sát đề nghị luật sư Phan Trung Hoài cung cấp quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” cho HĐXX để có thêm tài liệu để xem xét.
Luật sư Phan Trung Hoài đối đáp lại phần tranh luận lại của Viện Kiểm sát vừa nêu bằng 3 ý kiến. Thứ nhất, trong bản ý kiến ghi rất rõ nhưng trong phần bào chữa đọc tên của vụ án khởi tố là “Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Luật sư Hoài trình bày ý kiến về hành vi “Vi phạm quy định hoạt động cho vay” đã đã được Thanh tra Chính phủ có ý kiến vào ngày 29/1/2016 chính thức kiến nghị ra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật theo bút lục 05 và 07.
Ngày 10/11/2017, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phân công giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố số 45 về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vấn đề đặt ra là trong cáo trạng và kiến nghị kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị tách hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” để xem xét điều tra tiếp tục.
Luật sư Phan Trung Hoài giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX không chấp nhận việc tách hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Viện Kiểm sát có nêu kèm theo 3 văn bản của công văn 1443 về 10 văn bản nói Công ty Diệp Bạch Dương cho đến năm 2018 thể hiện có thế chấp căn nhà 57 Cao Thắng. Luật sư Hoài đã công bố 2 tài liệu. Tài liệu thứ nhất của bà Dương Thị Bạch Diệp là tại cuộc họp ngày 8/2/2018 giữa Công ty Diệp Bạch Dương với Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện Agribank.
Đại diện của Agribank đã xác nhận tất toán khoản vay mua căn nhà 57 Cao Thắng nhưng Agribank cho rằng, tài sản 57 Cao Thắng phải được đảm bảo bằng các khoản vay khác. Vào ngày 15/5/2018, văn bản của Công ty Diệp Bạch Dương gửi cho Agribank, Sở Tài nguyên và Môi trường (bút lục 3.183) trong đó, Công ty Diệp Bạch Dương khẳng định không có yêu cầu thế chấp và cùng một khoản vay có đến 2 tài sản thế chấp là 181 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Ý chí của Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản nếu theo hồ sơ thể hiện có việc thế chấp 57 Cao Thắng nhưng đến văn bản ngày 15/5/2018, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định không có việc thế chấp này. Bà Diệp trình bày rất rõ việc không có thế chấp 57 Cao Thắng.
Chiều 19/11, TAND TP.HCM sẽ có quyết định liên quan đến vụ án.