Căn nhà này nằm trên phần diện tích 300 m2 đất ở, do vợ anh Hạnh là chị Phan Thị Vân đại diện pháp luật sau khi được thừa kế từ cha mẹ ruột là ông Phan Văn Lân và bà Phạm Thị Luận (cả 2 đã mất).
Diện tích 300 m2 đất ở này nằm trong thửa đất có tổng diện tích hơn 1.254 m2. Tháng 6/2009, ông Lân và bà Luận có thỏa thuận bán cho bà Tưởng Thị Nhị (phường 1, TP.Đà Lạt) 1.000 m2 đất nông nghiệp với giá 680 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện sang tên, bà Nhị đã sang luôn phần diện tích 300 m2 đất ở trên.
Gia đình ông Lân, bà Luận sau đó khởi kiện bà Nhị ra tòa. Phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Đà Lạt sau đó bị VKSND tỉnh Lâm Đồng chỉ ra vượt thẩm quyền, kiến nghị xử phúc thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 78/2019/DS-PT ngày 25/7/2019, TAND tỉnh Lâm Đồng mặc dù đưa ra nhận định “có căn cứ để khẳng định vợ chồng ông Lân, bà Luận chỉ đồng ý chuyển nhượng diện tích 1.000 m2 theo như giấy biên nhận đặt cọc ngày 2/6/2009”, nhưng vẫn tuyên bà Nhị phải nộp thêm số tiền chênh lệch 2 tỉ 543 triệu đồng cho gia đình ông Lân, bà Luận để sở hữu phần diện tích 300 m2 đất ở, bất chấp gia đình ông Lân, bà Luận phản đối.
Căn nhà của gia đình anh Hạnh chỉ còn lại là những đổ nát sau khi bị cưỡng chế, thi hành án. Ảnh: Xuân Thọ |
“Không kê biên trước khi thi hành án”
Gia đình ông Lân, bà Luận, cụ thể là vợ chồng anh Hạnh đã gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi, trong đó có đơn đề nghị xét kháng nghị giám đốc thẩm lên VKSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh và được cơ quan này xác nhận đã nhận được đơn. Tuy vậy, ngày 25/6 vừa rồi, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt đã tiến hành cưỡng chế, thi hành án căn nhà 34 m2 trên phần diện tích 300 m2 đất ở mà chúng tôi vừa đề cập ở trên.
Đó là căn nhà duy nhất của vợ chồng anh Hạnh và con gái 12 tuổi sinh sống.
“Họ thi hành án theo bản án số 78 của TAND tỉnh Lâm Đồng tôi không nói, nhưng cái cách họ tiến hành thi hành án thì quá nhẫn tâm, gây cho chúng tôi nhiều bức xúc” - anh Hạnh trình bày.
Sau khi căn nhà duy nhất bị cưỡng chế thi hành án, bàn thờ và di ảnh ông Lân phải để tạm nhà anh Hùng. Ảnh: Xuân Thọ |
Theo anh Hạnh, vào buổi sáng 25/6, ngày lực lượng thi hành án tiến hành thi hành án, thì anh đang đi mua đồ ăn sáng cho vợ là chị Phan Thị Vân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Chị Vân bị nhiễm trùng đường ruột và gai cột sống, nên trước đó đã có đơn đề nghị tạm hoãn thi hành án nhưng không được chấp nhận.
Anh Hạnh bức xúc: “Khi nghe hàng xóm gọi, tôi hốt hoảng chạy về thì thấy nhà cửa đã tan hoang rồi. Tại sao họ không kiểm kê tài sản cho gia đình tôi trước khi cưỡng chế thi hành án? Sau khi họ thi hành án xong, tôi vào thì thấy thấy đồ đạc, tài sản bị vứt lung tung; sách vở của con gái tôi đang học lớp 6 cũng không tìm ra ngoài 3 đống tro tàn, không biết có phải sách vở của cháu đã bị đốt hay không?”.
Không được kiểm kê tài sản trước khi bị cưỡng chế thi hành án, sau khi thi hành án xong, lực lượng thi hành án cũng không đưa cho gia đình anh Hạnh bất kỳ biên bản nào liên quan đến vụ việc. Và cho đến nay, gia đình anh Hạnh không biết tài sản của mình ở đâu, như thế nào?
Giành giật di ảnh từ lực lượng thi hành án
Anh Hùng, hàng xóm của anh Hạnh cho biết vợ anh đã phải đấu tranh để giành lấy di ảnh và bàn thờ của ông Phan Văn Lân (mất ngày 20/2/2020, ông Lân là cha vợ của anh Hạnh) khi lực lượng thi hành án định vứt đi.
Hiện bàn thờ và di ảnh của cha vợ anh Hạnh tạm để nhà của anh Hùng. Mộ của ông Lân nằm chơ vơ bên nền nhà tan hoang sau cưỡng chế thi hành án. Còn vợ chồng anh Hạnh phải tá túc nhờ nhà chị bạn.
Ngày 2/7, phóng viên Ngày Nay đem những thắc mắc của anh Hạnh đến làm việc với ông Nguyễn Sỹ Cần - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt. Sau khi tiếp nhận nội dung, ông Cần đề nghị Ngày Nay có công văn để ông trả lời cụ thể hơn.
Sau đó, ông Cần cung cấp cho phóng viên thông báo số 499/ TB-CCTHA về việc yêu cầu bà Phan Thị Vân nhận lại tài sản, thông báo do chấp hành viên Bùi Đăng Khoa ký ngày 30/6.
Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt. Ảnh: Xuân Thọ |
Thông báo ngoài thể hiện nội dung chị Vân vắng mặt (do đang nằm viện-PV), thì cơ quan thi hành án còn yêu cầu anh Hạnh tự di chuyển tài sản ra ngoài nhưng anh Hạnh không thực hiện. Trên thực tế, theo trình bày của anh Hạnh, khi cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án, thì anh đang đi mua đồ ăn sáng cho vợ anh lúc này đang nằm viện. Nghĩa là cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án khi không có sự hiện diện của gia đình anh Hạnh.
Thông báo trên cũng cho biết tài sản của gia đình anh Hạnh được đưa về kho của Chi cục Thi hành án dân sự Đà Lạt để bảo quản, thời gian nhận tài sản là 14 giờ ngày 3/7/2020, hết thời hạn 3 tháng mà không đến nhận sẽ xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Cũng theo thông báo số 499/ TB-CCTHA ngày 30/6 của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt do chấp hành viên Bùi Đăng Khoa ký, thì gia đình ông Lân, bà Luận sẽ nhận được số tiền hơn 2 tỉ 543 triệu đồng thì người phải thi hành án là ông Loan, bà Nhị. Ông Loan, bà Nhị đã nộp số tiền này cho cơ quan thi hành án.
Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt yêu cầu người được hưởng thừa kế tài sản của ông Lân, bà Luận làm thủ tục mở thừa kế và đến Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt nhận tiền thi hành án theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghe phóng viên truyền tải nội dung này, anh Hạnh trình bày: “Họ không kiểm kê tài sản trước khi cưỡng chế, thì không biết tài sản của gia đình tôi còn gì. Nhà tôi nghèo thiệt, nhưng đó là tài sản của chúng tôi mà”.
Điều khó hiểu, là khi phóng viên yêu cầu được chụp ảnh hay bản sao các giấy tờ liên quan đến việc cưỡng chế và được ông Cần đồng ý, nhưng ông Bùi Đăng Khoa lại từ chối với lí do “theo quy định, tôi không thể cung cấp”. Ông Khoa là chấp hành viên, dưới quyền điều hành của ông Nguyễn Sỹ Cần - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt, nhưng sao lại cãi lệnh cấp trên như vậy, phải chăng có điều gì không minh bạch?
Chấp hành viên Bùi Đăng Khoa chính là người tham gia lực lượng thi hành án tiến hành cưỡng chế, thi hành án căn nhà của gia đình anh Hạnh.