Vụ bạo hành trẻ tại mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở không thể vô can!

(Ngày Nay) - Sự việc bạo hành trẻ em diễn ra tại Mái ấm Hoa Hồng đã bị phát hiện suốt khoảng thời gian hơn 2 tháng; do đó, chủ Mái ấm Hoa Hồng không thể không biết.
Bị can Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền tại cơ quan Công an.
Bị can Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền tại cơ quan Công an.

Ai là người giám hộ những đứa trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng?

Ngày 04/9, Báo Thanh Niên đã khởi đăng loạt bài liên quan đến vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng. Có thể nói, phóng viên Báo Thanh Niên đã dành nhiều tháng thâm nhập, đeo bám đề tài và thực hiện loạt bài phóng sự điều tra gây chấn động dư luận xã hội. Hơn hết, vụ việc trước đó đã được nhóm nhà hảo tâm nhiều lần đến thăm nuôi trẻ ở đây phát hiện và âm thầm theo dõi.

Một số người vì bức xúc đã tạo nhóm riêng để “bóc phốt” Mái ấm Hoa Hồng. Và sau đó, thông tin của vụ việc được cung cấp cho phóng viên Báo Thanh Niên để vào cuộc điều tra. Sự thật được bóc một cách “trần trụi” về hình ảnh các em bị “tra tấn” tinh thần cũng như thể xác mỗi khi đêm về.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra, ai là người giám hộ của các em và người giám hộ có biết vấn đề này hay không?

Theo Thông cáo Báo chí phát đi từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM vào ngày 06/9/2024, tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có 86 trẻ. Cụ thể, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1 – 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 – 5 tuổi (đang đi học tại Trường mầm non Sóc Bông, phường Trung Mỹ Tây, quận 12); 03 trẻ từ 6 – 12 tuổi; 01 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 thì giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Khoản 3 Điều 46 về Giám hộ quy định: “Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ”.

Vụ bạo hành trẻ tại mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở không thể vô can! ảnh 1

Thương tật trên cơ thể của các em trong thời gian sinh sống tại Mái ấm Hoa Hồng.

Luật sư Lễ lập luận, nhiều em tại Mái ấm Hoa Hồng được xác định không còn cha, không còn mẹ và không có người thân thích thì phải được UBND cấp xã mà cụ thể ở đây là UBND phường Trung Mỹ Tây cử hoặc được Tòa án chỉ định là người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

47 trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương!

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nói, như đã phân tích ở trên, trẻ em sinh ra dù không còn cha, mẹ và không còn người thân thích thì bắt buộc phải có người giám hộ để thực hiện các giao dịch dân sự. Việc đưa các em từ Mái ấm Hoa Hồng về nơi ở mới phải thông qua người giám hộ.

Mặt khác, Mái ấm Hoa Hồng chỉ được phép tiếp nhận 39 em nhưng thời điểm kiểm tra có đến 86 em đang được nuôi dưỡng tại đây mà cơ quan chức năng địa phương không hề hay biết là chưa đảm bảo trách nhiệm quản lý phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan đến người giám hộ cho các em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.

Theo thông tin từ báo chí, bà Giáp Thị Sông Hương là chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đang nuôi dưỡng chăm sóc 86 trẻ em mồ côi có được UBND phường Trung Mỹ Tây chỉ định làm người giám hộ hay không vẫn chưa được làm rõ? Mặc khác, ngay trong ngày 04/9, cơ quan chức năng đã chuyển 83 em về 3 cơ sở nuôi dạy trẻ, gồm: Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình là có dấu hiệu vội vàng.

Luật sư Lễ đưa ra nhận xét, trong trường hợp, một số em ở Mái ấm Hoa Hồng được phát hiện trong tình trạng bị bỏ rơi được đưa về nuôi thì theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, người phát hiện phải bảo vệ đứa trẻ và đồng thời báo ngay cho UBND hoặc Công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi bị phát hiện để lập biên bản. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo. Sau khi lập biên bản, UBND cấp xã sẽ tiến hành niêm yết tại trụ sở trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.

Cùng thời điểm, UBND cấp xã sẽ tổ chức nuôi dưỡng hoặc cử người nuôi dưỡng tạm thời và thông báo tìm thân nhân cho trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu thân nhân không đến nhận, UBND xã sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, tìm nơi nuôi dưỡng trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Luật sư Lễ khẳng định, nguồn gốc và danh tính của 47 em trong tổng số 86 em đang được nuôi dưỡng tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng cần phải được làm rõ để vụ việc dần sáng tỏ nhằm bảo vệ quyền nhân thân cho các trẻ.

Chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng không thể vô can?

Liên quan đến vụ việc, ngày 06/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 bảo mẫu Mái ấm Hoa Hồng là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Diệp Ngọc Tuyền (sinh năm 1977, ngụ tỉnh Sóc Trăng), để điều tra về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Vụ bạo hành trẻ tại mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở không thể vô can! ảnh 2

Bà Giáp Thị Sông Hương trong một chương trình "Những câu chuyện truyền cảm hứng".

Công an tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quá trình quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội để kiến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương khắc phục, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ đánh giá, việc hành hạ các em nhỏ diễn ra liên tục ròng rã trong thời gian dài. Theo nội dung thể hiện trên báo chí, đoạn clip được Phóng viên Báo Thanh Niên ghi lại trong nhiều tháng tại Mái ấm Hoa Hồng trước sự có mặt của các bảo mẫu khác.

Hơn hết, trong một số lần bảo mẫu Cẩm và Tuyền thực hiện hành vi hành hạ các em tại mái ấm còn có sự có mặt của các bảo mẫu khác và bà Giáp Thị Sông Hương, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Do đó, các bảo mẫu khác và bà Hương không thể vô can?

“Trường hợp Cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các bảo mẫu khác và bà Hương biết bảo mẫu Cẩm, bảo mẫu Tuyền thực hiện hành vi hành hạ các cháu bé nhưng vẫn không can ngăn mà thể hiện thái độ đồng tình bằng cách xúi giục, giúp sức hoặc bỏ mặc cho sự việc diễn ra thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm”. Ngoài ra cũng phải điều tra về hành vi Mái ấm Hoa Hồng đem hàng hóa sữa, tã... được nhiều nhà hảo tâm đến tặng, quyên góp ủng hộ để mang đi bán, trục lợi. Số tiền mua bán đó, tiền ủng hộ từ thiện sử dụng vào việc gì hoặc ai quản lý, có dấu chiếm đoạt riêng hay không?”, Luật sư Lễ đúc kết vấn đề.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.