Ghi nhận của Ngày Nay vào buổi sáng ngày 7/8/2019 tại cổng trưởng Gateway, việc đưa đón các em học sinh vẫn diễn ra bình thường. Một không khí căng thẳng, chi tiết diễn ra tại đây, mỗi xe đưa đón học sinh đều có giáo viên đi kèm, việc kiểm tra từng xe được tiến hành hết sức cẩn trọng.
Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, phía lãnh đạo nhà trường Gateway đã có những chỉ đạo, thắt chặt lại quy định đối với tất cả các hoạt động, đặc biệt là việc đưa đón các em học sinh. Đối với những người liên quan trực tiếp tới sự việc em học sinh xấu số như lái xe, giáo viên… đều đã bị đình chỉ công tác để tiến hành điều tra, xác minh.
Một điểm khác so với buổi học hôm trước, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con em mình đến trường. Chia sẻ với phóng viên, chị Minh Nguyệt, một phụ huynh có con em đang theo học khối lớp 1, trường Gateway cho biết: Sự việc vô cùng đau lòng khiến chúng tôi lo lắng lắm. Đúng sai đến đâu thì đã có cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng trước mắt chắc gia đình tôi sẽ bố trí người đưa đón con…
Cũng có con em đang theo học tại trường Gateway, anh Hải Đăng một phụ huynh đến từ quận Nam Từ Liêm cho biết, sự việc đau lòng xảy ra trách nhiệm đầu tiên phải là cô giáo phụ trách em học sinh đó, ngay cả cô giáo chủ nhiệm cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm.
Cùng với đó, tất cả các phụ huynh khi được hỏi đều khẳng định quan điểm, nhà trường phải có sự điều chỉnh về quy trình đưa đón các em học sinh. Việc kiểm tra, giám sát cần tiến hành kỹ lưỡng, cẩn trọng. Nhà trường cũng cần phải có yêu cầu về việc nếu có sự bất thường, vắng mặt không lý do thì cần ngay lập tức thông báo cho gia đình chứ không thể nào im lặng rồi dẫn đến sự việc đau lòng xảy ra…
Ở một diễn biến khác, theo luật sư Trương Anh Tú, vụ việc em học sinh tử vong vì bị quên trên xe đưa đón là một bài học đắt giá cảnh tỉnh xã hội trong việc đưa đón học sinh tới trường.
Tại các đô thị lớn, không ít gia đình neo người, cha mẹ không có nhiều thời gian để có thể đưa đón các con đi học, việc nhà trường tổ chức đưa đón là giúp ích rất nhiều cho các gia đình. Tuy nhiên, qua sự việc đau lòng xảy ra đối với Trường Quốc tế Gateway, đã đến lúc gia đình, nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm soát tốt hơn vấn đề này.
Luật sư Trương Anh Tú |
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, trong việc bé trai L.H.L, học sinh lớp 1 Trường Quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe, có thể thấy để xảy ra sự việc, lỗi đầu tiên thuộc về tài xế, tiếp đến là lỗi của giáo viên chủ nhiệm lớp của học sinh này. Thông thường, trên mỗi chuyến xe, ngoài tài xế thì còn có một cô giáo phụ trách việc đưa đón học sinh. Tất cả những người này đều có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đau lòng trên.
“Lẽ ra, trước khi tắt máy đóng cửa xe, tài xế cần phải quan sát trong xe, nhất là khi đối tượng hành khách là trẻ em. Cô giáo chủ nhiệm khi không thấy học sinh đến lớp, nguyên tắc là phải hỏi lại tài xế xem cháu có đi học hay không? Nếu không thể gọi được tài xế thì phải gọi cho phụ huynh học sinh để nắm được tình hình. Nhưng việc này đã không được làm một cách nghiêm túc, nên đây là biểu hiện của sự cẩu thả trong công việc”, luật sư Tú nói.
Theo luật sư Tú, việc xem xét trách nhiệm, xử lý trách nhiệm hình sự ở đây như thế nào, có hay không thì còn tùy thuộc vào việc quá trình điều tra tới đây của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thấy rõ ràng dấu hiệu hình sự của tội vô ý làm chết người, do vi phạm những nguyên tắc nghề nghiệp đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Tú cho rằng, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường về vật chất và tinh thần cho gia đình cháu bé.
Mở rộng vấn đề, luật sư Tú cũng cho rằng, qua sự việc học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe, cũng cần thấy rõ trách nhiệm của người lớn, cộng đồng là thiếu các khóa đào tạo về sinh tồn cho trẻ em. Cần có các chương trình đào tạo kỹ năng sinh tồn cho trẻ.