Theo thông cáo báo chí phát đi đầu giờ sáng nay (31/8), Bộ TN&MT ghi rõ:
“Ngày 28 tháng 8 năm 2019, đã xảy ra sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu, hóa chất tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (sau đây gọi là Công ty) trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội khiến người dân lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường.
Ngay sau khi sự cố cháy nổ của Công ty xảy ra, Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở TN&MT, các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội để trao đổi, nắm bắt thông tin; chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (trực thuộc Tổng cục Môi trường) phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất sau sự cố.
Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học để giải pháp đồng bộ để xử lý các tàn tích của vụ cháy nổ, môi trường,…. tuy nhiên đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Để bảo đảm sức khỏe an toàn tuyệt đối cho người dân, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh Công ty, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km cần thận trọng, thực hiện các biện pháp như: tắm bằng xà phòng và nước ấm; giặt quần áo bằng xà phòng và nước ấm; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình; không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở; tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản và gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh;....
Khi có việc cần thiết đi qua khu vực xung quanh Công ty, khuyến nghị người dân nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang có than hoạt tính.”
Thông cáo báo chí của Bộ TN&MT được phát đi sau khi UBND quận Thanh Xuân bất ngờ yêu cầu phường Hạ Đình rút cảnh báo mà phường này với đầy đủ trách nhiệm với người dân đã phát đi trước đó, cảnh báo người dân trong vòng bán kính 1km phải hết sức cẩn trọng, đồng thời khuyến cáo những biện pháp vệ sinh, phòng hộ cho sức khỏe.
Lý do mà UBND quận Thanh Xuân đưa ra khi thu hồi cảnh báo này là vì “văn bản không đúng thẩm quyền và chưa có cơ sở”.
Cũng trong thông báo của UBND quân Thanh Xuân, kết quả test nhanh của Viện sức khỏe môi trường (thuộc Bộ Y tế) cho thấy "kết quả phân tích nhanh (15h20 phút ngày 30/8) các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... cho thấy ở mức độ bình thường." Tuy nhiên, các thông số này không được công bố.
Cũng trong tối qua, thông tin từ khoa Chống độc, bệnh viện Bạc Mai cho biết, các kết quả xét nghiệm ban đầu đối với 10 phóng viên báo chí tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy và 1 người dân cho thấy không có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.
Như vậy, mọi thông tin chính thức đưa ra từ các cơ quan chức năng dường như đều cho thấy môi trường đã an toàn và người dân có thể yên tâm sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, để đưa ra kết luận AN TOÀN, cần phải có thời gian với những chứng cứ khoa học đủ sức thuyết phục chứ không thể chỉ dựa vào các test nhanh.
Hơn nữa, trận mưa lớn chiều tối và đêm 29, trước khi các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra có thể đã khiến không khí cũng như môi trường đất, nước ngay tại nơi xảy ra vụ cháy không giống như môi trường lúc đang cháy hoặc ngay sau khi cháy (là thời gian mà người dân không được khuyến cáo kịp thời để bảo vệ sức khỏe - PV).
Nhiều ý kiến cũng đánh gia cao trách nhiệm của UBND phường Hạ Đình, cho rằng cảnh báo là kịp thời, trong khi các cơ quan chức năng "đúng thẩm quyền" lại im hơi lặng tiếng.
Ngoài ra, cách thông tin của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng khiến nhiều người bức xúc bởi sự “lập lờ” đánh lừa dư luận. Theo đó, Công ty này cho biết, từ năm 2016 đã “nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.”
Điều này khiến cho những người dân bình thường không có kiến thức về hóa học dễ hiểu lầm rằng, công ty này đã không còn dùng thủy ngân trong sản xuất bóng đèn nên người dân có thể “yên tâm” về môi trường.
Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia, chuyên gia độc lập về môi trường, ông Đào Nhật Đình khẳng định, không thể hiểu Amalgam thay thế thủy ngân lỏng tức là sản phẩm không có thủy ngân.
“Amalgam là hỗn hống (là hợp kim của thủy ngân với các kim loại khác, như hỗn hống các kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, kẽm, cadimi, antimon, nhôm, thiếc, đồng, chì, bismut, vàng... - PV) chứa thủy ngân lỏng và kim loại khác. Vận chuyển và bảo quản amalgam dễ và an toàn hơn nhiều thủy ngân lỏng" - chuyên gia Đào Nhật Đình cho biết.