Tính toán mới do nhà thiên văn Adam Riess công bố trên tạp chí thiên văn Astrophysical Journal sẽ khiến các nhà khoa học phải tư duy lại những khái niệm khoa học căn bản nhất.
Theo đó, hằng số Hubble, con số quan trọng nhất trong thiên văn và là thước đo tốc độ giãn nở của vũ trụ, cao hơn 9% so với con số được tính toán trước đó dựa vào việc nghiên cứu các tàn tích của vụ nổ Big Bang được cho là khởi nguồn của vũ trụ, theo hãng tin AP.
Ông Riess mất hai năm tính toán dựa vào các ngôi sao cách chúng ta không quá xa trong vũ trụ, và kết luận tốc độ giãn nở của vũ trụ là 74 so với ước tính 67 trước đây. Nếu dùng tốc độ giãn nở là 74, tuổi thọ của vũ trụ sẽ là từ 12,5-13 tỷ năm, có nghĩa vũ trụ trẻ hơn nhiều so với ước tính được công nhận rộng rãi là từ 13,6-13,8 tỷ năm.
Ảnh tổng hợp từ các hình chụp trong các tháng 9/2003-1/2004 từ kính viễn vọng Hubble cho thấy khoảng 10.000 dải thiên hà và là bức ảnh sâu nhất về vùng nhìn thấy được của vũ trụ, với khoảng cách hàng tỷ năm ánh sáng. Ảnh: AP |
Điều đáng ngạc nhiên là ông Riess và các nhà khoa học đang khen ngợi cả hai phương pháp tính toán và cho rằng chúng đều đúng. Nếu vậy, các nhà thiên văn sẽ buộc phải điều chỉnh thuyết tương đối tổng quát của Einstein.
Họ cho rằng sự khác biệt này buộc phải được giải thích bằng nhánh “vật lý mới”, tổng hợp các hạt vật chất chưa được khám phá và các yếu tố giải thích cho sai số (fudge factor) như vật chất tối (dark matter) hay năng lượng tối (dark energy).
Nhà thiên văn khác cũng từng đạt giải Nobel, John Mather, của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nói chỉ có hai khả năng “một là chúng ta đang mắc sai lầm, hai là thiên nhiên tồn tại điều gì mà chúng ta chưa biết”.