Hai ngày qua, phóng viên Ngày Nay đã nhiều lần liên hệ với PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, nhưng ông Đại từ chối: “Vấn đề tài chính, học phí nên hỏi anh Độ (tức ông Nguyễn Hữu Độ, nguyên Giám đốc Sở - PV)".
Ông Nguyễn Hữu Độ hiện đã không còn công tác tại Sở GD&ĐT Hà Nội vì mới được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GD&DT. Phóng viên liên lạc nhưng không thấy ông Độ nhấc máy.
Liên hệ với ông Hoàng Hữu Trung – Chánh VP Sở GD&ĐT qua điện thoại sáng 27/9, ông Trung bày tỏ quan điểm riêng: “Đối với quy định mức thu học phí, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội chỉ quy định điều chỉnh mức học phí đối với các trường công lập. Các trường ngoài công lập sẽ theo cơ chế thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Sở yêu cầu các trường thông báo công khai vào đầu năm học để phụ huynh và học sinh được rõ”.
Nói về mức học phí mà Vinschool đã thông báo, ông Trung cho rằng, nếu các phụ huynh đã tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất trường, chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên… và quyết định gửi con mình vào trường đó thì phải chấp nhận những gì mà nhà trường yêu cầu. Vì đó là thỏa thuận. Ông đưa thêm ví dụ: “Giống như hai nhà hàng ở gần nhau. Ăn cơm bên này chỉ 30-50 nghìn đồng/suất, nhưng ăn ở nhà kia phải lên tới 200 nghìn đồng/suất, anh đủ tiền bên nào thì vào bên đó, tùy vào điều kiện, khả năng của mình…”.
Tuy nhiên, theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, sự việc bức xúc diễn ra tại địa phương mình thì ngành GD tại địa phương đó không thể làm ngơ. Ngành GD cần biết chuyện đó, không thể để tình trạng nhà trường muốn lấy học phí bao nhiêu thì lấy.
“Ngoài công lập thì đúng là theo sự thỏa thuận, nhưng vẫn cần có vai trò quản lý nhà nước ở đây. Không thể cứ vin vào cơ chế thỏa thuận là muốn thu bao nhiêu cũng được. Nếu cần thiết, khi chưa có quy định nào về vấn đề này, thì cơ quan chức năng phải ra quy định (luật hoặc các hướng dẫn dưới luật), khảo sát các trường xem lý do gì mà lấy mức học phí cao như vậy, chi phí khấu hao, nhà cửa, chi phí giảng dạy, tiền lãi… sao cho mức học phí phù hợp với kinh tế của mỗi quốc gia.
Hiện nay, có trường phổ thông ở Việt Nam ‘hét” đến nửa tỷ tiền học phí, như thế là quá đáng. Muốn tạo ra một ngôi trường có chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh Việt Nam có thể theo học được ổn định thì học phí chỉ nên ở mức vừa phải, chấp nhận được, và quan trọng là phải công khai trước lộ trình để phụ huynh có lựa chọn phù hợp với thu nhập của mình” – ông Nhĩ nói.
Quyết định tăng học phí và giãn học sinh sang cơ sở mới của Vinschool vẫn tiếp tục "làm nóng" mạng xã hội. Nhiều phụ huynh khá cứng rắn bày tỏ quan điểm sẽ bán nhà và chuyển con khỏi Vinschool cũng như "tẩy chay' hệ sinh thái mà vì nó họ đã quyết định mua nhà của Tập đoàn Vingroup.