Công điện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ký ngày 1/7 nêu rõ nội dung Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), có khả năng mạnh thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.
Lửa vừa được dập tắt, Hà Tĩnh lại đối mặt với mưa lũ. |
Công điện cảnh báo mưa lớn diễn ra sau thời gian nắng nóng kéo dài, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt đối với các xã Sơn Trung, Sơn Lễ, Sơn Ninh, huyện Hương Sơn; Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, làm bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng có nguy cơ cao gây ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở một số vùng trũng ở các địa phương Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ.
Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch biết để chủ động ứng phó; tổ chức, rà soát ngay các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, nhất là các vùng vừa xảy ra cháy rừng trong mấy ngày qua, các vùng thấp trũng có khả năng ngập úng, các khu vực nuôi trồng thủy sản, để hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là để gây thiệt hại về người.
Các triền đồi bị thiêu đốt trơ trọi sau đợt cháy lịch sử vừa qua làm bề mặt thảm phủ bị suy giảm. Nếu mưa lớn trên diện rộng có nguy cơ cao gây ra lũ quét. |
Hà Tĩnh lo xảy ra lũ quét sau trận cháy lịch sử vừa qua. |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương ven biển, kiểm soát ngay số lượng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, tàu hoạt động du lịch, đồng thời thông báo cho các chủ phương tiện, tàu du lịch biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để vào nơi tránh, trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo dõi chặt chẽ, tổ chức thường trực giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra và sẵn sàng các biện pháp ứng cứu, phù hợp.
Chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê biển, đê cửa sông, các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trên địa bàn, các công trình tiêu, thoát lũ để chủ động vận hành, tránh ngập úng cho lúa hè thu.
Yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án các công trình Xây dựng cơ bản có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là đảm bảo an toàn đối với các công trình đê điều, hồ đập, các cống dưới đê.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của vùng áp thấp, của thời tiết mưa lũ; thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về diễn biến của vùng áp thấp, mưa, lũ cho các cấp, các ngành và Nhân dân biết để chủ động phòng, tránh có hiệu quả.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của vùng áp thấp, mưa lũ và công tác ứng phó báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và UBND tỉnh để chỉ đạo.