Cùng với những nét văn hóa truyền thống lâu đời, sự cởi mở và hiếu khách của người dân bản địa, tất cả đang tạo nên một điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Thung lũng Vân Sơn được mệnh danh "Thung Lũng Mây", là một trong 4 cái nôi của người Mường. Có diện tích hơn 55 km2, nằm trên độ cao trên dưới 1000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ về mùa hè, rét ngọt vào mùa đông, không khí trong lành, mật độ che phủ của rừng cao, Vân Sơn là điểm đến của du lịch trải nghiệm, khám phá và dã ngoại với những đặc trưng riêng. Ngoài ra, nơi đây còn có núi non trùng điệp, động Nam Sơn, thác Thung, đồi, núi phủ xanh bởi ruộng bậc thang, cây ăn quả, những bản làng người Mường với những nếp nhà sàn bình yên sau lũy tre...
Do có cảnh quan thiên nhiên đẹp, những năm gần đây, Vân Sơn bắt đầu hình thành những hộ kinh doanh homestay.
Vợ chồng chị Hà Thị Thậm xã Vân Sơn đã quyết định cải tạo ngôi nhà sàn của gia đình thành không gian lưu trú homestay Hải Thạn. Ban đầu, anh chị đầu tư hơn 300 triệu đồng, cùng vốn vay để nâng cấp khu nhà sàn khang trang, tiện ích hơn; có thể đón được 15 - 20 khách đến lưu trú. Đồng thời, nhiệt tình tham gia các buổi hướng dẫn làm du lịch do chính quyền địa phương tổ chức để nắm bắt rõ nhu cầu, phương thức phục vụ du khách, đảm bảo phát triển kinh tế gia đình theo hướng du lịch bền vững.
Chị Hà Thị Thậm, Chủ homestay Hải Thạn cho biết: Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách đến du lịch, tham quan cũng hạn chế. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát nên lượng khách trong và ngoài nước đã tăng dần. Từ khi làm dịch vụ du lịch cộng đồng, nguồn thu gia đình chị đã ổn định và phát triển ngành nghề theo hướng bền vững.
Chị Cao Thu Diệp (huyện Đông Anh, Hà Nội), khách du lịch lưu trú tại homestay Hải Thạn chia sẻ: Đây là lần thứ hai, chị cùng gia đình đến đây du lịch, nghỉ dưỡng và mỗi lần đều có cảm giác khác nhau. Ở đây, gia đình chị được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động, sinh hoạt đời thường cùng người dân. Nhờ vậy, mọi người có cơ hội khám phá, tìm hiểu về văn hóa, cảnh vật độc đáo và giá trị truyền thống của địa phương.
Điểm nổi bật khi đến xã Vân Sơn khiến du khách không thể bỏ qua là Chợ phiên Lũng Vân được họp vào thứ ba hàng tuần. Do chỉ diễn ra một ngày trong tuần nên người dân đều sắp xếp công việc để đi chợ mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ rất đa dạng và phong phú như: nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, thực phẩm… Bên cạnh đó, chợ còn bày bán các mặt hàng đặc trưng của các xã vùng cao như: Quýt cổ Nam Sơn, rau su su, nấm sò Quyết Chiến, mộc nhĩ rừng, lá dong, lạt giang gói bánh, đậu xanh… Đặc biệt, các sạp hàng bày bán vải thổ cẩm tại đây với nhiều họa tiết nổi bật mang vẻ đẹp tinh tế trong văn hóa người Mường đã thu hút nhiều du khách.
Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn Bùi Văn Đướng cho biết, xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương, xã đã xây dựng kế hoạch, định hướng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông và xây dựng bảo tồn các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ du khách.
Ngoài ra, với cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, hai địa điểm là động Nam Sơn và hang núi Kiến cũng đang là nơi thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm.
Người dân gọi động Nam Sơn là động Tớn; có chiều dài 455m, sâu 49m với hồ nước rộng, sâu từ 2 - 7m, quanh năm có nước trong suốt. Ngoài việc sở hữu các cột đá, nhũ đá, măng đá, rèm đá rất đặc sắc, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, động vật và sinh vật đặc hữu. Các nhà khoa học công nhận Nam Sơn là hang động đẹp và hấp dẫn nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông với những khối đá phát triển qua quá trình khoảng 250 triệu năm. Động Nam Sơn được công nhận là Di tích thắng cảnh Quốc gia năm 2008.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, ông Lê Chí Huyên cho biết, địa phương đang tập trung xây dựng đề án trình với Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt các xã vùng cao của huyện Tân Lạc là địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch gắn với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch.
Ông Lê Chí Huyên cho biết thêm, thời gian qua, huyện thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tăng cường quản lý đối với các dịch vụ kinh doanh lĩnh vực này, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; đảm bảo chất lượng dịch vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách du lịch. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các lễ hội, nét văn hóa dân tộc, các danh thắng ở địa bàn trên các phương tiên thông tin đại chúng và đã thu hút được nhiều khách thập phương tới tham quan.
UBND huyện Tân Lạc đã đặt mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ; ban hành nhiều nghị quyết nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người địa phương… nhằm thu hút các doanh nghiệp triển khai dự án du lịch chất lượng cao, du lịch văn hóa cộng đồng. Trong quí I/2022, huyện có 69.109 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách nội địa và khách quốc tế là gần 67.000 lượt; doanh thu đạt trên 17 tỷ đồng.
Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, huyện Tân Lạc nói chung, xã Vân Sơn nói riêng hứa hẹn là mảnh đất du lịch đầy tiềm năng, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng tại địa phương.