Trong số các đội bóng châu Á dự World Cup 2022, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia đã chơi hay đến khó tin ở trận ra quân, nhưng lập tức gây thất vọng ở trận đấu sau đó. Vậy chuyện gì đã xảy ra với họ?
Khi Nhật Bản đối đầu Đức (4 lần vô địch World Cup) ở trận ra quân tại bảng E World Cup 2022, có lẽ không ai hình dung Samurai Xanh lại có thể quật ngã ông lớn của bóng đá thế giới với chiến thắng 2-1.
Tương tự như vậy, khi Saudi Arabia đối đầu Argentina (2 lần vô địch World Cup) ở trận ra quân của họ ở bảng C, không ai hình dung họ lại có thể đánh bại siêu sao Lionel Messi cùng các đồng đội với tỷ số 2-1.
Khi Hàn Quốc đối đầu Uruguay (2 lần vô địch World Cup) trong trận ra quân ở bảng H, ít người tin rằng đội bóng Xứ sở Kim chi có thể cầm hòa "ông lớn" của bóng đá Nam Mỹ.
Dễ hiểu vì sao Nhật Bản, Saudi Arabia, Hàn Quốc bị đánh giá thấp hơn Đức, Argentina, Uruguay ở trận ra quân. Đơn giản vì các đối thủ của họ giàu truyền thống hơn hẳn, giàu kinh nghiệm hơn hẳn và sở hữu nhiều ngôi sao tên tuổi trong đội hình hơn hẳn 3 đội châu Á nói trên.
Nhưng chính danh tiếng, truyền thống, đẳng cấp và dàn cầu thủ ngôi sao mà Đức, Argentina, Uruguay sở hữu trong đội hình đã kích thích tinh thần chiến đấu của Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc lên mức cao nhất, khiến các đội tuyển châu Á này thi đấu với sự tập trung và cẩn trọng, đồng thời thúc đẩy họ nỗ lực đến kiệt cùng trong từng đường bóng và mọi khoảnh khắc của trận đấu. Tất thảy những điều đó đã giúp họ giành được những kết quả khó tin.
Tuy nhiên, ngay sau những trận đấu ra quân đầy ấn tượng tại World Cup 2022, Nhật Bản đã chơi đầy bế tắc và để thua Costa Rica 0-1, trong khi đó Saudi Arabia phòng ngự sơ hở hơn và bị Ba Lan trừng phạt với chiến thắng 2-0, còn Hàn Quốc nôn nóng và cũng phòng ngự lỏng lẻo nên bị Ghana hạ gục 3-2.
Vậy tại sao những đội tuyển này mới vài ngày trước đó còn đá thăng hoa đến không ngờ, nay lại nhanh chóng gây thất vọng như vậy?
Trên thực tế, những gì Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia thể hiện trước Đức, Uruguay, Argentina không phải là đẳng cấp vốn có của họ mà chỉ là phong độ rất cao được họ thể hiện trong một trận đấu cụ thể, khi đối thủ của họ là một "thương hiệu" đủ lớn để kích thích họ phát huy tối đa nỗ lực, sự tập trung, sự cẩn trọng...
Nhưng khi không gặp những "ông lớn" nữa thì cũng là lúc Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia trở lại với hình ảnh thường thấy. Họ tự cho phép mình chơi phóng khoáng hơn, cởi mở hơn, tấn công nhiều hơn và cùng với đó họ cũng mất tập trung và sơ hở nhiều hơn trong phòng ngự.
Giờ thì cánh cửa vào vòng 1/8 World Cup 2022 đã hẹp hơn với 3 "ông lớn" châu Á nói trên, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản không còn nhiều hy vọng vượt qua vòng bảng.
Đối với các đội châu Á còn lại, ngoại trừ thất bại tuyệt đối của một Qatar rõ ràng chưa đủ tầm đá World Cup, chỉ có Iran (bảng B) thực sự có nhiều cơ hội vào vòng 1/8 khi họ đã có 3 điểm và gặp Mỹ (2 điểm) ở lượt cuối vòng bảng trong khi ở bảng D, cửa đi tiếp của đội tuyển Australia (3 điểm/2 trận) vẫn còn nhưng không quá nhiều khi họ không được phép thua Đan Mạch ở lượt đấu cuối.