Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin việc xây dựng phương án mở lại hoạt động du lịch. Trên tinh thần khẩn trương nhất, Bộ đã chủ trì 3 cuộc hội thảo để tổng hợp ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai từ tháng 11/2021 đến ngày 10/2 đã có những kết quả tích cực, đón được gần 9.000 khách du lịch quốc tế, đảm bảo điều kiện an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý để tất cả các địa phương đủ điều kiện, được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành đã tập trung thảo luận nội dung chi tiết, xây dựng phương án để có thể mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo tinh thần khẩn trương nhất, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay, sẽ được dỡ bỏ; cùng với đó là những giải pháp kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi.
Cụ thể, về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trước đó, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất, báo cáo Chính phủ cho phép, đến thời điểm ngày 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch COVID-19, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Bên cạnh đó, thay vì đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm trước đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ: “Du khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19, vì Việt Nam chưa áp dụng tiêm cho đối tượng này. Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận”.
Đồng thời, khách quốc tế bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR ). Với các nước có quy định khắt khe hơn sẽ áp dụng theo quy định của các nước này; đồng thời, cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký, tự cách ly trong vòng 24 giờ và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục tự theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.
Các bộ, ngành thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình mức đóng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trường hợp khách quốc tế có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời, chi tiết về việc mở cửa lại hoạt động du lịch, sớm có báo cáo Chính phủ.