Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9, trả lời câu hỏi đã nhận được văn bản xin ý kiến góp ý của UBND TP. Hà Nội xung quanh việc quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó ngoài các hạng mục phục vụ cho ngành đường sắt còn có các công trình trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị với các công trình cao từ 40-70 tầng hay chưa và quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh cơ quan này sẽ quan tâm tới góc độ sử dụng đất tại đây.
Theo Bộ trưởng Hà, đến nay “chưa thấy quy hoạch gì khác” tại khu vực ga Hà Nội. Do chưa có quy hoạch đất đai tại đây nên khi được Hà Nội xin ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa vào quy hoạch cụ thể về giao thông, môi trường, đất đai,… để nêu quan điểm.
Trước đó, theo đề xuất, ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị. Đồng thời, khu vực ga Hà Nội và khu phụ cận sẽ được quy hoạch xây dựng các trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị..., với các công trình cao từ 40-70 tầng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản số 4417/UBND – ĐT xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Mục đích của việc lập Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000 là cụ thể hóa định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1 ha; với tổng dân số dự kiến 44.000 người. Trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).
Đơn vị lập Đồ án này cũng đưa ra khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật (khoảng 700 tỷ đồng).
Tổng hợp