KidKraft, một công ty sản xuất các thiết bị sân chơi ngoài trời, đã phải "chật vật" chuyển 20% chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia khác sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan từ 7,5% - 25% vào tháng 7/2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Mới đây, ông Trump cũng đưa ra tuyên bố rằng sẽ áp thuế 60% toàn diện đối với Trung Quốc nếu đắc cử lần 2. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris được cho theo đuổi chính sách mềm dẻo hơn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bà cũng sẽ đưa ra các rào cản thương mại nghiêm ngặt hơn với các mặt hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Rõ ràng là tình hình sẽ khó khăn”, Mike Sagan, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và vận hành của KidKraft cho biết. Công ty của ông đã chủ động ngừng hợp tác với 12 đơn vị cung ứng tại Trung Quốc kể từ đầu năm 2024.
Sự lo ngại về thuế đã làm “chao đảo” nền công nghiệp Trung Quốc. Mỗi năm nước này cung cấp khối lượng hàng hóa trị giá lên tới hơn 400 tỷ USD cho Mỹ, chưa kể tới việc Mỹ nhập khẩu các thiết bị có linh kiện của Trung Quốc từ các nước khác.
Trong một cuộc khảo sát mới đây, 12 trong số 27 công ty Trung Quốc có doanh thu đến từ Mỹ chiếm trên 15% cho biết, sẽ đẩy nhanh việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác. Ngoài ra, 4 công ty khác cho biết vẫn sẽ tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, song sẽ mở thêm các nhà máy ở nước ngoài nếu ông Trump thắng cử và thực thi chính sách tăng thuế. Số còn lại chưa có kế hoạch cụ thể, tuy nhiên phần lớn bày tỏ lo ngại rằng họ có thể mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Các nhà sản xuất dự đoán việc đánh thuế cao hơn đối với các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thu hẹp lợi nhuận và gây tổn hại lớn tới mức tăng trưởng kinh tế của nước này. Chính sách thuế "hà khắc" này được cho cũng sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá cả tiêu dùng vốn đã cao ngất ngưởng tại Mỹ.
Ông Sagan cho biết chi phí sản xuất tại các nước khác dự kiến cao hơn khoảng 10% so với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối lo ngại hàng đầu của các doanh nghiệp là chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Ông nhận định thêm rằng trong trường hợp bà Harris thắng cử, các doanh nghiệp sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc đảm bảo chuỗi cung ứng phụ và tìm đúng nguồn hàng phù hợp để giảm thiểu tối đa các rủi ro.
Mức thuế gia tăng được áp đặt lên các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc vào năm 2018 đã khiến nhiều công ty đa quốc gia đưa ra quyết định chuyển năng lực sản xuất khỏi quốc gia này. Thay vào đó các điểm đến thường chọn là các nước Đông Nam Á vốn có lợi thế về chi phí lao động.
Dù vậy, mức thuế này không gây thiệt hại đáng kể đến sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và ảnh hưởng của sự phụ thuộc kinh tế toàn cầu vào tiêu dùng của Mỹ và sản xuất của Trung Quốc là không thay đổi. Ở góc độ khác, Trung Quốc thậm chí đã gia tăng thị phần trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu kể từ khi hàng rào thuế quan mới được áp dụng ở thời điểm đó.
Tuy nhiên, những dự định tăng thuế mới của ông Trump sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc, khi lợi nhuận của họ vốn đang giảm sút dưới áp lực lạm phát tăng cao.
Đặc biệt, các lĩnh vực xuất khẩu mà lâu nay Trung Quốc đang có lợi thế như xe điện, sẽ phải đối mặt với mức thuế cao "chót vót" tại Mỹ và toàn châu Âu. BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, có nguy cơ chịu mức thuế lên tới 200% dù là với những dòng xe được sản xuất tại nhà máy ở Mexico.
Các nhà kinh tế cho rằng, mức thuế 60% sớm nhất sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2025, nhiều khả năng làm giảm đà tăng trưởng của Trung Quốc từ 0,4 - 0,7 điểm phần trăm trong năm 2025 do mức đầu tư và sản lượng bị cắt giảm.
Bắc Kinh có thể giảm thiểu điều này bằng cách tăng cường kích thích kinh tế, kiểm soát xuất khẩu và điều chỉnh tỷ giá hối đoái, mặc dù những biện pháp này có thể mang lại những rủi ro nhất định.