Bệnh viện đầu tiên làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI
Sau 30 ca phẫu thuật thành công với tỷ lệ an toàn 100%, Bộ Y tế đã cấp phép kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trở thành cơ sở đào tạo nhân rộng chuyên môn kỹ thuật này.
Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca, Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ông vô cùng tự hào và xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường sau khi được mổ bằng Robot AI trong một năm qua.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ phát biểu tại buổi tọa đàm công bố sự kiện 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. |
Nhờ sự hỗ trợ của Robot AI mổ não và tủy sống thế hệ mới hiếm có trên thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã mang tới “cuộc sống mới” cho nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm, người bệnh gần như hết hy vọng khi “bị trả về”.
Nhiều người bệnh hồi phục ngoạn mục sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều bệnh nhi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.
Ông cho biết thêm 100 ca mổ não và tủy sống chỉ là con số khiêm tốn trong hơn 12.000 ca mổ thần kinh, sọ não mà ông đã thực hiện trong hơn 30 năm qua, nhưng đây lại là những ca mổ mang dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp của cá nhân ông và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khi đã đặt những dấu mốc quan trọng của lĩnh vực phẫu thuật thần kinh sọ não bằng robot ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới.
Công nghệ đỉnh cao chưa từng có ở kỹ thuật mổ truyền thống
Với kỹ thuật mổ não truyền thống, bác sĩ chủ yếu thao tác tiến vào não người bệnh theo kinh nghiệm, phán đoán. Lý do bác sĩ chỉ quan sát một cách rời rạc khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành trên từng hình ảnh riêng biệt qua phim X-Quang, CT hoặc MRI. Bác sĩ không thể “nhìn thấy” toàn bộ các tổ chức bên trong não trên cùng một hình ảnh, không chủ động định vị được trước đường mổ an toàn, nguy cơ cao phạm phải các cấu trúc lành khi mổ.
Trong khi đó, Robot AI có thể hòa hình CT, MRI, DTI, DSA... trên cùng một hình ảnh 3D có độ phân giải cao, giúp bác sĩ thấy rõ khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh.
Từ đó, Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng, có nhiều thời gian nghiên cứu và chủ động lựa chọn vị trí mở hộp sọ và đường tiếp cận vào bên trong não của người bệnh theo cách an toàn nhất, tránh phạm phải các cấu trúc lành.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (giữa) và các cộng sự thực hiện một ca phẫu thuật não bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM |
Trong suốt quá trình phẫu thuật, mọi thao tác của bác sĩ đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống; dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo để bác sĩ đảm bảo cuộc mổ diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu đã được xác lập tại cuộc mổ mô phỏng. Cánh tay Robot AI liên tục di chuyển tự động theo dụng cụ mổ hoặc giọng nói và phát tín hiệu cảnh báo để xác quyết “ ngay tức thì (real time)” đường mổ an toàn cho bác sĩ.
Một trong những điểm nổi bật của Robot AI là hỗ trợ bác sĩ mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não ENRICH, kỹ thuật được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là "cuộc cách mạng" trong điều trị đột quỵ xuất huyết não.
Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác và cử động trong suốt ca mổ, giúp bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh khi thao tác vào vùng não chức năng tương ứng. Điều này giúp bảo toàn tối đa chức năng thần kinh, người bệnh phục hồi nhanh chóng và xuất viện sớm.
Như trường hợp ông Hải (58 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ, bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ ngày càng nhiều, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn. Bác sĩ quyết định mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.
Trong quá trình mổ, ông Hải tỉnh táo, không cảm thấy đau, không nôn ói, không động kinh. Vừa mổ ông vừa trò chuyện cùng bác sĩ và hát “nghêu ngao”. Sau hơn 30 phút, ca mổ thành công, ông được gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh bình thường.
Ê kíp bác sĩ tiến hành mổ não thức tỉnh cho ông Hải. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM |
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ cho biết trước đây các ca mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não thường kéo dài hơn hai giờ. Bệnh nhân được gây mê toàn thân, thở máy, đường mổ lớn, mở nắp hộp sọ diện rộng để giải áp và hút khối máu tụ. Trong khi đó, thời gian mổ thức tỉnh bằng Robot chỉ khoảng 40-60 phút. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng của thuốc gây mê, giảm nguy cơ biến chứng và không cần hỗ trợ thở máy sau mổ.
Hiện tại, Robot AI Modus V Synaptive được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ứng dụng trong điều trị 7 danh mục bệnh gồm: U não trên lều, U não dưới lều, U trong não thất, U não đường giữa, U não nền sọ, U trong ống sống, Xuất huyết não – não thất; và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.