Trước hết, ta nên xem người Mỹ thích đi xe gì, hãy cùng xem 10 chiếc xe bán chạy nhất nước Mỹ sau 9 tháng đầu năm 2019.
1. Ford F-Series (662.574 chiếc)
2. Ram Pickup (461.115 chiếc)
3. Chevrolet Silverado (412.259 chiếc)
4. Toyota RAV4 (324.622 chiếc)
5. Honda CR-V (280.739 chiếc)
6. Nissan Rogue và Rogue Sport (272.300 chiếc)
7. Toyota Camry (256.456 chiếc)
8. Honda Civic (255.484 chiếc)
9. Chevrolet Equinox (253.956 chiếc)
10. Toyota Corolla (233.978 chiếc)
Ford F seri - Mẫu xe bán chạy nhất thị trường Mỹ |
Nhìn vào 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường này, ta có thể thấy ngay người Mỹ ưa chuộng những thương hiệu xưa cũ, những chiếc bán tải cơ bắp, những chiếc SUV cỡ vừa và những chiếc sedan cổ điển, bền bỉ, rẻ tiền. Các hãng xe đến từ Nhật Bản chiếm ưu thế lớn, các hãng xe Hàn Quốc cũng vậy, những mẫu xe Châu Á hiện đang chiếm 46% thị phần xe Mỹ, trong khi các hãng xe Châu Âu chỉ có chưa tới 10%.
Nissan Rogue (ở Việt Nam là X-trail) bán rất nhiều ở Mỹ, nhưng ở Việt Nam thì không ai mua |
Cách đây 2 năm, khi cuộc thương chiến Mỹ Trung chưa diễn ra, các hãng xe Trung Quốc đã hững hực khí thế, chuẩn bị rất nhiều cả tiền và công nghệ để tiến vào thị trường Mỹ. Khi đó, chủ tịch GAC Motor - ông Yu Jun đã tuyên bố GAC hoàn toàn đủ trình độ công nghệ, chất lượng để tự tin tấn công thị trường này. Các công ty sản xuất ô tô ở Trung Quốc, liên doanh hoặc mua luôn các hãng xe danh tiếng ở Châu Âu, tạo ra những sản phẩm có những cái tên mới nhưng dựa trên công nghệ đã được kiểm chứng. Họ đi khắp nước Mỹ, xây dựng 1 hệ thống phân phối xe Trung Quốc trên toàn nước Mỹ để chuẩn bị cho công cuộc đổ bộ khổng lồ vào thị trường xe lớn nhất thế giới này.
Một mẫu xe điện của hãng GAC tại triển lãm Detroit |
Tuy nhiên, cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã làm kế hoạch này đổ vỡ. Từ đầu năm 2019 đến nay, không ai còn nghe thấy thông tin về việc các công ty ô tô lớn của Trung Quốc vào Mỹ nữa. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Zotye, một hãng xe nhỏ với mẫu xe khá quen thuộc ở thị trường Việt Nam là Zotye T600 vẫn đang tiếp tục tìm các đại lý Mỹ để bán xe tại thị trường này.
Zotye T600 - mẫu SUV nhìn na ná Audi Q5 với động cơ 1.6 Turbo và 5 chỗ ngồi. Chiếc xe này đã được bán ở thị trường Việt Nam từ 3 năm trước với số lượng không nhiều. Chất lượng của xe tương đối tốt, kiểu dáng đẹp, trang bị hiện đại và giá khá rẻ. Việc Zotye quyết định dùng T600 để đặt chân vào Mỹ, cho thấy hãng này cũng đã nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ khá kỹ. Người Mỹ luôn thực dụng, và 1 chiếc xe chất lượng tốt, giá rẻ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn là những mẫu xe hào nhoáng.
Những mẫu xe Vinfast Premium |
Quay trở lại với Vinfast, với 3 mẫu xe hiện tại và 7 mẫu xe sẽ ra mắt trong năm 2020, liệu mẫu xe nào sẽ là đặt bước chân đầu tiên của xe Việt Nam tại Mỹ? Và giấc mơ bán xe ở Mỹ của ông Vượng có thành hiện thực?
Rào cản lớn nhất của xe ô tô khi vào thị trường Mỹ chính là tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Nước Mỹ có những tiêu chuẩn riêng về trang thiết bị an toàn cũng như khí thải, thậm chí còn cao hơn cả Châu Âu. Tuy nhiên, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, với Vinfast điều này không khó để vượt qua. Để đạt được mức giá cạnh tranh, Vinfast cần sản xuất ít nhất 100 ngàn ô tô 1 năm, phát triển thương hiệu trên toàn cầu, bán xe ở nhiều thị trường và tạo lập mạng lưới các đại lý, xưởng dịch vụ. Bán 1 chiếc xe không khó, nhưng phát triển 1 hệ thống bán hàng, sửa chữa, bảo dưỡng xe lại là điều không dễ.
Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng |
Bloomberg ngày 10/6 trích lời ông Phạm Nhật Vượng: "Chúng tôi có khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt với đẳng cấp quốc tế. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là các sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu mang tầm quốc tế.
Đối với rất nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi phải tìm cách thâm nhập thị trường và chứng minh cho mọi người thấy sản phẩm của Việt Nam đại diện cho sự năng động của một Việt Nam đang phát triển đồng thời đạt tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới".
Mục tiêu của Vinfast là thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam |
Thị trường ô tô Việt Nam là nơi quan trọng nhất của Vinfast để khởi đầu, nhưng thực sự quá nhỏ so với sự đầu tư, quy mô của Vinfast. Với dung lượng tổng thị trường chỉ vào khoảng 250 ngàn xe 1 năm, dù có tăng đều thì cũng còn khá lâu mới đáp ứng nổi sản lượng lên tới 500 ngàn xe vào năm 2025 của nhà máy sản xuất xe Vinfast. Hơn nữa, sự cạnh tranh ở thị trường Việt Nam cũng cực kỳ khốc liệt với đầy đủ các hãng xe từ khắp nơi trên thế giới. Muốn phát triển, xuất khẩu là điều tất yếu phải đạt được của Vinfast trong tương lai gần. Đặt chân vào thị trường Mỹ sẽ là cột mốc, chứng nhận về thương hiệu để Vinfast có thể dễ dàng bán hàng tại mọi thị trường khác.
Đoàn xe Vinfast chinh phục những cung đường núi ở Việt Nam |
Không có việc gì dễ dàng, không thể dự đoán chính xác được tương lai. Nhưng nếu không có khát vọng, không bắt tay vào thực hiện thì mãi mãi chúng ta không thể có những sản phẩm, thương hiệu chất lượng thế giới. Mục tiêu của Vinfast hoàn toàn xứng đáng để trân trọng và cổ vũ, hy vọng họ sẽ thành công và chiếc xe thương hiệu Việt sẽ lăn bánh trên mọi nẻo đường.