Theo thông tin đăng tải trên báo Vietnamnet, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vừa có cuộc họp để cho ý kiến sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới.
Tại cuộc họp, GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết, trong 55 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, có 3 ca nặng, đang được các chuyên gia theo dõi sát sao hàng ngày.
Trong đó nặng nhất là bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công Vietnam Airlines. Đến sáng nay, bệnh nhân vẫn tiếp tục trong tình trạng nguy kịch, men gan tăng, nhiễm trùng tăng, 2 phổi đông đặc và co nhỏ trong khi vài ngày trước, bệnh nhân chỉ đông đặc phổi phải và 1/2 phổi trái.
Do đó, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Bệnh nhân 91 nhập viện từ ngày 20/3 với tổn thương nhu mô phổi phải, sau đó sức khoẻ liên tục diễn biến xấu, sốt cao. Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ từ 25/3. 10 ngày sau, bệnh nhân tiếp tục phải chuyển sang thở máy xâm lấn do bệnh diễn tiến nặng.
Từ 6/4, bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp, phải hỗ trợ ECMO. Một ngày sau, bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, suy đa tạng. Đã có lúc các chuyên gia tiên lượng bệnh nhân khó qua khỏi.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 51 ngày điều trị COVID-19. Bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật ECMO liên tục hơn 1 tháng nhưng phổi còn bị đông đặc, tràn dịch phải đặt dẫn lưu.
Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn tại cuộc họp. |
Các xét nghiệm tầm soát cho thấy, bệnh nhân đang có sự gia tăng của tình trạng nhiễm trùng và men gan. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được sử dụng thuốc an thần, cơ thể không sốt, sinh hiệu tạm ổn, mắt phản xạ ánh sáng tương đối tốt. Các bác sĩ đang tiếp tục cho người bệnh ECMO, thở máy, lọc máu, dẫn lưu dịch màng phổi. Hiện tiên lượng của người bệnh vẫn rất nặng.
Trao đổi với Dân Trí, GS.TS Lê Quang Cường, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Tổ công tác của Phó Thủ tướng- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết tất cả các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm của Việt Nam đều bám sát những khuyến cáo chung của WHO, CDC, Hoa Kỳ, Trung Quốc, cập nhật các nghiên cứu và theo sát những thử nghiệm lâm sàng của thế giới.
Việt Nam luôn thực hiện theo những quy định chuẩn mực về thử nghiệm lâm sàng để đem lại những điều tốt nhất cho trực tiếp người bệnh.
GS.TS Lê Quang Cường cũng đề nghị các chuyên gia của WHO và CDC có thêm ý kiến góp ý cho Việt Nam về công tác chuyên môn, các ca bệnh dương tính lại và các ca bệnh khác.
Các chuyên gia của WHO và CDC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, đã đạt được kỳ tích bước đầu để ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó Trưởng tiểu ban điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 cho biết Việt Nam đã có 22 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn còn các bệnh nhân từ nước ngoài về.
Vì thế, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vẫn tiếp tục phải nỗ lực và cập nhật các vấn đề về chuyên môn, dịch tễ học, xét nghiệm, vấn đề dương tính lại... Do đó, việc phối hợp và đồng hành với WHO, CDC là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy sự thành công trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.