Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều 24/4, trong phần tranh tụng tại phiên xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm, các bị cáo đã tham gia tranh luận và đưa ra nhiều luận điểm phân tích hành vi nhằm làm giảm nhẹ hình phạt cho mình. Hầu hết các bị cáo thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh đều thừa nhận hành vi vi phạm và mong Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc vai trò, mức độ hành vi vi phạm để cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), luật sư Đặng Thị Thanh Xuân cho biết, bị cáo Tín đang phải nằm viện điều trị bệnh tim nên không thể tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, bị cáo Tín đã có đơn trình bày gửi Hội đồng xét xử, trong đó thừa nhận sai sót trong việc ký, ban hành các văn bản liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chưa đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Về việc bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký Quyết định số 3186 cho phép Sabeco Pearl được thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trong bối cảnh trước đó đã có nhiều văn bản xác nhận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là cơ sở gây ô nhiễm, theo luật sư Xuân, bị cáo Tín ký văn bản này là đúng quy định pháp luật, trên cơ sở tiếp tục thực hiện những chủ trương đã được các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận và trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương trước đó chứ không phải là bị cáo biết sai nhưng vẫn cố tình vẫn làm. Với luận điểm này, luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét vai trò thứ yếu của bị cáo Tín trong vụ án.

Luật sư Đặng Thị Thanh Xuân cũng cho rằng để xảy ra hành vi vi phạm, còn có nguyên nhân do bị cáo Nguyễn Hữu Tín quá tin tưởng vào sự tham mưu của ban, ngành chuyên môn. Đó là khi bị cáo Tín ký Công văn số 3172 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không thực hiện theo đúng chỉ đạo của bị cáo Tín. Điều này cũng được các bị cáo khác thừa nhận tại phiên tòa.

Về tài sản Nhà nước bị thiệt hại, bị thất thoát, luật sư Xuân cho rằng, không có mối quan hệ nhân quả giữa việc thất thoát tài sản Nhà nước với hành vi ký ban hành quyết định của bị cáo Tín, bởi trong quyết định giao đất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ghi rõ mục đích cho thuê đất là để đầu tư, thực hiện dự án. Theo luật sư, cho dù bị cáo Tín có ký quyết định cho thuê đất sai đối tượng nhưng cũng phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Chính việc Sabeco thoái vốn mới dẫn đến thiệt hại của vụ án.

Từ các dẫn chứng trên, luật sư Đặng Thị Thanh Xuân đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín bởi bị cáo đã cao tuổi, sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh trọng, luôn thành khẩn khai báo và cho bị cáo Tín được miễn chấp hành hình phạt tù.

Bào chữa cho bị cáo Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), luật sư cho rằng, bị cáo đã thành khẩn thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Theo luật sư, khi thực hiện hành vi ký Công văn số 3512 đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, bị cáo chỉ có suy nghĩ góp phần tạo điều kiện cho thành phố có được công trình kiến trúc đẹp cũng như doanh nghiệp có trụ sở làm việc. Về việc này, bị cáo Khôi đã thừa nhận đã chủ quan trong việc xét duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, bị cáo Khôi không tư lợi cá nhân mà chỉ thực hiện hành vi ký Công văn số 3512 thiếu sự rà soát và không xin ý kiến của các ngành theo chỉ đạo của cấp trên.

Tại phiên tòa, cả luật sư bào chữa và bị cáo Lâm Nguyên Khôi đều đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Khôi được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, không cách ly bị cáo khỏi xã hội do bị cáo đang mắc nhiều bệnh nặng, cần điều trị thường xuyên và xin được hưởng án treo.

Trong phần bào chữa cho hai bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng, thiệt hại của vụ án không thuộc trách nhiệm của các bị cáo thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bị cáo chỉ làm công việc tổng hợp ý kiến các sở, ngành và trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh, không tham mưu gì về chuyên môn liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Các quyết định của thành phố đều căn cứ vào các ý kiến của Sở, ngành chuyên môn chứ không căn cứ vào văn bản của Văn phòng UBND Thành phố. Luật sư Huỳnh Văn Nông đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vị trí, vai trò và hành vi của các bị cáo để có phán quyết phù hợp.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, các bị cáo: Nguyễn Hữu Tín, Lâm Nguyên Khôi, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh, Lê Quang Minh, Nguyễn Thanh Chương, Trương Văn Út và Nguyễn Lan Châu là các cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai; việc giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê khu đất có diện tích 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với giá trị quyền sử dụng đất (cho thuê 50 năm) tại thời điểm quyết định cho thuê ngày 30/6/2015 là hơn 1.075 tỷ đồng, không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá là trái quy định của pháp luật và gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Sáng 26/4, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).