Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đơn vị đã rất nỗ lực thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ. Trong năm 2022, toàn thành phố đã giảm được xấp xỉ 100 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm so với năm 2021. Tuy nhiên, số nợ bảo hiểm trên địa bàn thành phố vẫn còn cao. Tính đến đầu tháng 1/2023, số nợ bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội là 1.509 tỷ đồng, số tiền nợ phải tính lãi là 2,67%.
Các doanh nghiệp, tổ chức nợ bảo hiểm là vi phạm các quy định của nhà nước, có thể bị xử lý hình sự. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp nợ bảo hiểm còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động khi cần giải quyết các chế độ, ốm đau, thai sản, nghỉ hưu.
Dự báo tình hình kinh tế xã hội năm 2023 còn khó khăn, khiến số nợ bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn có thể gia tăng, do vậy Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã đề ra các biện pháp để thu hồi nợ. Ông Phan Văn Mến cho biết, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phân công nhiệm vụ cụ thể cho viên chức, người lao động tập trung đôn đốc thu, giảm nợ. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay từ đầu năm. Mặt khác, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Là cơ quan thường xuyên phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố để đòi nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an, theo quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của thành phố, tới đây, cơ quan công an sẵn sàng tiếp nhận các hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, vào cuộc điều tra xử lý trên cơ sở quy định của Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự.