Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ

(Ngày Nay) - Trước “show diễn của cuộc đời” (Liveshow kỉ niệm 40 năm nghề diễn của Xuân Hinh, “Kẻ chọc cười dân dã” sẽ được tổ chức vào ngày 5/10 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội), nghệ sĩ Xuân Hinh trải lòng về cuộc đời, về những tháng ngày bươn trải của một Xuân Hinh - “con buôn” trước khi có một Xuân Hinh – “Người nghệ sĩ của mọi nhà” ...
Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ

Là người con Kinh Bắc, cơ duyên nào đã đưa Xuân Hinh từ “dân” quan họ thành một anh Xuân Hinh hề chèo?

 Tôi có 7 năm công tác tại đoàn quan họ Bắc Ninh đấy chứ. Nhưng rồi, thấy trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh lần đầu tiên tuyển sinh viên khoa chèo, thế là khăn gói quả mướp ra học. Chẳng may được nhận (cười). Mà lạ, càng học càng mê, càng mê càng nghiện. Hình như chèo nó ngấm vào tôi từ lâu rồi thì phải. Vượt trên những thiếu thốn của cơm áo gạo tiền khi anh tỉnh lẻ nhà nghèo ra Hà Nội học, đó là niềm đam mê thực sự.

Về sự chuyển từ quan họ sang chèo. Tính tôi nó thế đấy. Không bao giờ thoả mãn với cái gì mình đang có. Cứ phải thay đổi, cứ phải mày mò, làm mới cả những cái đã cũ, đã làm mãi đi rồi.  Chỉ có vợ là nhất định không thay thôi.

Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ ảnh 1 

 Đã đi làm tới 7 năm tại đoàn quan họ mà lại bỏ để làm lại từ đầu, chắc bố mẹ anh khi đó phản đối dữ lắm?

 Bố mẹ tôi đông con lắm, nên nghèo. Mẹ tôi là người đàn bà giỏi thu vén, nhanh nhẹn và tháo vát, đúng kiểu người Kinh Bắc. Cho dù gia đình có túng thế nào nhưng khi bố tôi có bạn tới chơi thì mọi sự đều tươm tất. Con cái cũng thế, bà cố gắng cho ăn học hết sức có thể. Khi tôi muốn theo con đường nghệ thuật, bà cũng chỉ động viên. Bà sợ tôi nghèo. Thì đúng, nghệ sĩ có ai giàu. Tôi chỉ thủ thỉ: Con muốn những người như u được nghe hát.

7 năm hát quan họ, đúng là chẳng thấy giàu đâu. Lại lếch thếch khăn gói quả mướp lên Hà nội học chèo, dĩ nhiên là vẫn ăn bám mẹ. Có một hình ảnh mà tôi nhớ mãi, đó là 1 lần, về xin mẹ 20 ngàn. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa. Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa tận mãi trên bến về. 20 ngàn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần. Hóa ra từ sáng, bà phải lội ao bèo rét căn cắt vớt cho được 4 gánh nặng, quẩy xuống tận chợ bến, 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng, đủ cho tôi đi Hà Nội…

Hai mẹ con chia tay nhau tại bến xe. Mẹ gánh đôi quang gánh rỗng đi rồi, tôi ngồi trên xe về Hà Nội nuốt nước mắt ầng ậc vào trong. Thấy mình vô tích sự khi vẫn còn ăn bám mẹ để đi học. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi xin tiền mẹ.

Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ ảnh 2 

Không xin tiền mẹ nữa, cũng chưa thành danh, vậy lấy gì để trang trải học hành?

 Từ tuần ấy, tôi theo bạn bè tập tọng đi buôn bán lấy tiền trang trải việc học. Cả tuần chăm chỉ học, đến cuối tuần là mắt trước mắt sau chờ hết giờ để ra xe đò ngược lên miền trên, đi buôn hai chiều. Thôi thì đủ cả, thượng vàng hạ cám tôi buôn: quần áo, đồ dùng, kim chỉ cho người vùng cao, măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống. Lúc ấy không ngại ngùng, xấu hổ gì cả, chỉ miễn sao có tiền đủ nộp học và ăn ở tại Hà nội. Chuyến lãi bù chuyến lỗ. Sao lại lỗ ư? Chó chạy mất, gà sổng mất, ngủ quên trên xe mất 1 tải măng… thế là cụt vốn, Khóc, buồn, nhưng rồi cuối tuần lại lên đường vì không đi thì… đói.

Buôn nhỏ rồi đến buôn to. Có những lần đánh liều thuê cả 1 chiếc xe tải cà tàng chở măng mộc nhĩ, nấm hương về xuôi bán. Xe về đến quê là 2 giờ sáng. Lái xe thả ở đầu làng, ngay cạnh nghĩa địa. Mình tôi với 5-6 bao hàng to nặng đứng giữa đường. Lếch thếch lôi từng cái bao 50 kg vào tập kết ở nhà dân cách đó mấy trăm mét, cứ hì hục như thế, đêm khuya thanh vắng. Rồi gà gật nằm giữa mấy cái bao ấy mà trông kẻo mất. “Con buôn” Xuân Hinh khổ thế đấy. (cười)

Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ ảnh 3 

Sau những cực nhọc ấy, chắc hẳn bố mẹ anh phải rất hãnh diện về anh?

Đời không như là mơ, tôi đi buôn, đủ trang trải học hành mấy năm tại Hà Nội và còn để ra được chút ít. Đúng khi ấy, bố tôi bị tai biến, cấp cứu vào viện. Mẹ tất tả vay mượn theo bố. Nhưng bố tôi cũng không qua khỏi. Ông mất khi con chưa thành danh. Cả cuộc đời vất vả chưa nhìn thấy con trưởng thành, chưa được con báo đáp. Bố tôi chưa bao giờ được xem 1 buổi biểu diễn nào của tôi. Đến tận khi mất, đối với ông, tôi vẫn là nỗi quan tâm lo lắng khiến ông bận lòng...

Còn mẹ tôi, dần dần bà đỡ vất vả, nhưng cuộc sống buồn hơn vì bố tôi đã mất. Bà biết con bà nổi tiếng, nhưng niềm tự hào của người phụ nữ Kinh Bắc luôn đi đôi với sự lo lắng mơ hồ. Bà có đi xem tôi biểu diễn vài lần, rất ít. Những chỗ sáng ánh đèn sân khấu không hợp với bà. Bà xem đĩa hề chèo của tôi nhiều hơn.

Sau 40 năm đi diễn, kỷ niệm nào với khán giả mà anh thấy nhớ nhất?

 Nhiều lắm chứ. Tôi là người nhà quê. Thế nên, tôi thích nhất là về những vùng quê diễn. Sân khấu quê đơn sơ, bà con ăn cơm cho sớm kéo đến để còn xem Xuân Hinh bằng da bằng thịt, rồi sờ mó, ngắm nghía, bình phẩm: trẻ nhỉ, tưởng già cơ, béo ra phết, đầu trọc quá… Rồi chụp ảnh cùng:

-         Con ơi, cho mẹ chụp với con kiểu ảnh. Mẹ đi 15 cây số đến đây đấy.

-         Dạ, mẹ năm nay bao nhiêu?

-         Mẹ 53 rồi, lần đầu tiên được xem Xuân Hinh ở ngoài đấy.

-         Thưa mẹ, con hơn tuổi mẹ đấy ạ! nào, mời mẹ chụp ảnh!!!! (cười vang)

Đấy, bảo sao không thương, bảo sao không nhớ!

Đó là khán giả trong nước. Anh đi diễn nước ngoài nhiều mà?

Vâng. Tôi đi diễn nhiều nước trên thế giới. Nhưng đáng nhớ nhất với tôi là 8 lần đi Ucraina. 8 lần cơ đấy. Đã có nghệ sĩ nào hát quan họ, hát chèo giữa mênh mông tuyết trắng Đông Âu khi nhiệt độ âm nhiều độ, mới thấy hết cái tình người Việt ta, yêu quê, nhớ quê, mong được về quê thế nào. Vậy nên, các anh chị bên ấy cứ mời là lại phải gác hết mọi thứ để lên đường, y như về quê vậy.

Xuân Hinh: Tôi muốn mang tình yêu nghệ thuật dân tộc tới các bạn trẻ ảnh 4 

Bốn mươi năm làm nghề mới có một liveshow “Xuân Hinh- Kẻ chọc cười dân dã”. Anh có thể bật mí về những điều anh ấp ủ khi thực hiện liveshow này?

Tôi có rất nhiều điều ấp ủ. Nghệ thuật dân tộc đang gặp nhiều khó khăn. Những khán giả trẻ đang không thực sự mặn mà với nghệ thuật dân tộc nên chính vì thế nó đang bị mai một. Nhưng tôi muốn khẳng định nghệ thuật dân tộc là của quý, có người quý ít và có người quý nhiều nhưng chừng nào người Việt không còn thì nghệ thuật dân tộc mới mất đi được. Liveshow này là cố gắng của tôi và các cộng sự, dù chỉ là một chút thôi, để tiếp tục mang tới tình yêu nghệ thuật dân tộc cho các bạn trẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hay, đặc sắc, sáng tạo và bùng nổ với sự kết hợp tài tình giữa truyền thống và hiện đại để mang một hơi thở mới cho nghệ thuật dân tộc..

Tôi không dám nói tới những điều to tát, nhưng chúng tôi cố gắng chăm chút cho từng tiết mục để mang tới một không gian hoàn toàn mới và cảm nhận mới về nghệ thuật dân tộc với những sáng tạo thoải mái và hết mình.

Được biết trong buổi diễn đặc biệt đánh dấu 40 năm ấy sẽ có nhiều khách mời nổi tiếng khóc cười cùng Xuân Hinh, anh có sợ sẽ bị lu mờ?

Không! Nếu nhiều thời gian để tập thêm, tôi còn muốn mời nhiều nữa cơ, chứ không phải chỉ Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng, Tùng Dương, Bằng Kiều, Hoài Thu, Thu Huyền, Xuân Nghĩa... Tôi muốn bữa tiệc 40 năm phải thật thịnh soạn, nhiều thế hệ cũng cất lên tiếng lòng của những nghệ sĩ vì quê hương, giữ gìn vốn quý của dân tộc.

Vả lại “con hơn cha là nhà có phúc” – các cụ chả dạy thế là gì? Các nghệ sĩ được mời đều là em, là cháu, có nghệ sĩ trẻ tuổi con tôi. Nếu các em toả sáng, chẳng phải là điều đáng mừng sao. Lúc ấy, Xuân Hinh phải mừng là vẫn còn đủ nhiệt huyết để đứng chung sân khấu với họ đấy.  

Xin cảm ơn anh!

Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.