Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội lên Thủ tướng, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31 (tháng 10/2021) và các hoạt động văn hóa, thể thao đỉnh cao tại thủ đô, thành phố báo cáo Thủ tướng việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng.
Số tiền dự kiến đầu tư tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy là hơn 6.300 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 100% từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Đổi lại, T&T được khai thác, vận hành sân vận động 50 năm.
Cũng trong báo cáo Thủ tướng, Hà Nội đề nghị cho nhà đầu tư được hưởng chính sách đặc thù "không phải đấu giá quyền sử dụng đất".
Hơn 32.000 m2 đất công
Khu vực thành phố đề xuất nghiên cứu lập dự án xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy có diện tích trên 32.000 m2, gồm sân vận động Hàng Đẫy và khu phụ cận (nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và khu đất của Sở Kế hoạch Đầu tư). Trong đó, sân vận động hơn 23.000 m2; khu nhà thi đấu gần 7.000 m2; Sở Kế hoạch Đầu tư trên 1.700 m2.
Sân vận động Hàng Đẫy sau 60 năm hình thành hiện có nhiều hạng mục xuống cấp. Mặt cổng chính phía phố Trịnh Hoài Đức có một dãy văn phòng cùng kios bán đồ thể thao. Phía sau sân (giáp ngõ Hàng Cháo) được nhiều người dân chiếm dụng bán hàng.
Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội sẽ bị di dời khi thực hiện dự án. Ảnh: Võ Hải. |
Trụ sở Sở Kế hoạch Đầu tư vốn là một trong những hạng mục được đầu tư làm bãi xe của sân vận động. Thành phố đã có kế hoạch chuyển đơn vị này và một số sở, ngành khác về Khu liên cơ hành chính trên đường Võ Chí Công.
“Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, phải hoàn thành công trình trong khoảng 36 tháng với tiến độ gấp gáp, dự án có tổng vốn đầu tư lớn, dự kiến 6.309 tỷ thuộc lĩnh vực thể dục thể thao là lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá, có thời gian thu hồi vốn chậm, kéo dài. Với các lý do trên, dự án là trường hợp đặc thù, đặc biệt, cần triển khai nhanh nên phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất này được thực hiện theo hình thức khác”, văn bản của thành phố nêu.
Trước đó theo quyết định của Chính phủ, thành phố đã có phương án sắp xếp cơ sở nhà đất tại khu vực này. Tuy nhiên nếu thực hiện dự án, phương án sắp xếp phải thay đổi và thành phố cũng đề xuất cơ chế được tự sắp xếp để có thể triển khai nhanh dự án.
Nhiều băn khoăn
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, nếu thành phố có kế hoạch xây dựng sân Hàng Đẫy thành tổ hợp thể thao "cũng là điều tốt". Ông cho biết, thực chất việc đề xuất dự án như làm một con đường theo dạng BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) mà BOT thì không nhất thiết phải đấu thầu.
Cổ động viên lấp đầy sân Hàng Đẫy trong một sự kiện thể thao. Ảnh: Ngọc Thành. |
"Chỉ có vấn đề là thời hạn khai thác 50 có quá dài hay không, cái đó cần những người chuyên làm dịch vụ thể thao tính toán", nguyên Thứ trưởng nói.
Cũng đồng tình cải tạo sân Hàng Đẫy thành một khu liên hợp thể thao bằng hình thức xã hội hoá, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho biết đây là chủ trương đúng vì thực tế cho thấy tư nhân sẽ tìm mọi cách khai thác hiệu quả công trình.
Có góc nhìn khác, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho rằng không nên xây dựng một tổ hợp thể thao đồ sộ ở khu vực vốn đã chịu quá tải về hạ tầng giao thông.
"Quan điểm của tôi trong nội thành nên giảm bớt chức năng, tăng không gian trống, không gian cho cộng đồng hơn là làm công trình lớn như thế. Nếu được thì bỏ cả cái sân vận động hiện có, chính nó gây ra ùn tắc mỗi khi diễn ra các sự kiện thể thao", KTS Thông nêu quan điểm.
Nghiên cứu mái che kín sân vận động
Phương án thiết kế khu vực sân vận động được TP Hà Nội đề xuất thu gọn hạng mục khán đài trong chỉ giới đường đỏ, không đua ra ngoài các tuyến phố; xung quanh công trình dành một phần diện tích làm đường đi bộ nhằm hạn chế ùn tắc khi có sư kiện.
Đặc biệt kiến trúc mái của sân vận động sẽ theo hướng tạo điểm nhấn, mang dấu ấn của kiến trúc Hà Nội, có thể đóng-mở bao trùm toàn bộ sân khi có nhu cầu sử dụng.