Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc rà soát, đánh giá viêc thực hiện mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương tổ chức nắm tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/7/2022.
Cụ thể, đối với lương tối thiểu theo tháng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu; trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, nhất là thỏa thuận về trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiếu.
Đối với lương tối thiểu theo giờ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các doanh nghiệp sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương tối thiểu theo giờ. Các địa phương tiến hành khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực/ngành nghề thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phố biến.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương đánh giá khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mức lương tối thiểu, trả lương cho người lao động đặc biệt là thuận lợi, khó khăn và tác động của doanh nghiệp, người lao động sau khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu theo giờ.
Bên cạnh rà soát về áp dụng mức tiền lương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương đánh giá việc điều chỉnh phân vùng để áp dụng các mức lương tối thiểu hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh, các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo để ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi về bộ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chỉ ghi nhận những đề xuất của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi đã thực hiện theo quy trình nêu trên để báo cáo Chính phủ.
Các địa phương cũng có trách nhiệm cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, cung-cầu lao động trên địa bàn trong quý 1/2023 (đặc biệt là sau Tết Âm lịch); dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới, từ đó đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiếu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng cho năm 2024.