Yêu cầu hoàn thành đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Dầu Giây trước 30/4/2023

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, việc đẩy nhanh tiến độ thi công phải đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn theo quy định; đảm bảo chất lượng công trình, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng công trình.
Điểm cuối tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang được triển khai thi công khẩn trương và dự kiến hoàn thành thông xe kỹ thuật trong năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Điểm cuối tuyến cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đang được triển khai thi công khẩn trương và dự kiến hoàn thành thông xe kỹ thuật trong năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Thông báo số 512/TB-BGTVT thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại đợt kiểm tra hiện trường các Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời điểm thông xe kỹ thuật và khánh thành đưa các dự án vào khai thác không đổi: thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án trước ngày 30/4/2023.

Cụ thể, các đơn vị liên quan phải thông xe kỹ thuật toàn dự án trên lớp bêtông nhựa C.19 (bêtông hạt trung) và lắp đặt đầy đủ dải phân cách, phấn đấu tối đa thi công lớp bê tông nhựa C12.5 (bêtông hạt mịn).

Việc đẩy nhanh tiến độ thi công phải đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn theo quy định; đảm bảo chất lượng công trình, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng công trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải thường trực tại hiện trường đến khi hoàn thành dự án để nắm bắt, chỉ đạo Tư vấn giám sát, các nhà thầu trong tổ chức thi công, kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, đẩy nhanh tối đa thủ tục thanh toán các khối lượng thi công còn tồn đọng, đảm bảo dòng tiền cho các nhà thầu thi công.

Các nhà thầu thi công được yêu cầu căn cứ mục tiêu hoàn thành, khối lượng còn lại phải thực hiện để huy động mọi nguồn lực (tài chính, thiết bị, máy móc, dây chuyền thi công...) phục vụ thi công; lập tiến độ thi công chi tiết từng ngày cho các khối lượng phải thực hiện; trong đó phải dự trù các điều kiện bất lợi như thời tiết, tính toán chi tiết tiến độ của các hạng mục đường găng, có các giải pháp để thi công bù tiến độ đối với khối lượng chậm của các ngày trước đó...).

Các nhà thầu khắc phục bất lợi về thời tiết, thi công liên tục 3 ca 4 kíp/ngày để đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ triển khai các dự án; Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đối với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng đảm bảo sát với biến động của thị trường để các Ban quản lý dự án thực hiện việc điều chỉnh giá.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, các dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng đến nay tiến độ chậm so với yêu cầu, khối lượng thi công còn lại rất lớn trong khi thời gian thi công rất ngắn.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do khó khăn về vật liệu, tình hình dịch COVID-19, ảnh hưởng thời tiết bất lợi cũng như giá cả vật liệu leo thang còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là nhà thầu chưa chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu (trong năm 2021 chỉ thi công các hạng mục công trình cầu, cống là chủ yếu).

Việc tổ chức điều hành của nhà thầu còn chưa khoa học, chưa có sự quan tâm thỏa đáng của lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu đối với tiến độ dự án, đặc biệt là việc huy động nguồn lực tài chính, chưa có sự phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị thi công.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phân cấp, ủy quyền toàn bộ thẩm quyền của chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án trong quản lý hợp đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý các nhà thầu yếu kém còn chậm; đồng thời, việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến công tác tổ chức thi công, điều hành công trường của các đơn vị chưa nghiêm túc và triệt để (về huy động máy móc, tăng mũi thi công, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh công tác thanh toán...), đặc biệt là nguồn lực tài chính.

“Do vậy, việc chậm tiến độ thi công các gói thầu trách nhiệm đầu tiên là của các nhà thầu và công tác điều hành của Ban quản lý dự án 7, Ban quản lý dự án Thăng Long,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.