Các nhà khai thác di động cho biết hôm thứ Hai rằng đã có ít nhất 5 trường hợp phá hoại đốt cháy các tháp di động ở Vương quốc Anh trong vài ngày qua.
Một số video trên YouTube tuyên bố sự liên hệ giữa virus corona và mạng không dây siêu nhanh thế hệ mới đã thu được hàng trăm nghìn lượt xem.
Trong một tuyên bố chung, các nhà mạng bao gồm BT Group, EE, Telefonica, Vodafone và Three, cho biết mạng 5G không liên quan đến đại dịch COVID-19.
"Những tuyên bố này không chỉ vô căn cứ, chúng còn có gây hại cho người dân và doanh nghiệp dựa vào tính liên tục của dịch vụ mạng. Chúng cũng dẫn đến việc tấn công các kỹ sư của chúng tôi và trong một số trường hợp, đã ngăn chặn việc bảo trì mạng thiết yếu", các nhà khai thác mạng di động cho biết trong tuyên bố.
Một cột thu phát sóng di động tại Anh đã bị nhiều kẻ vô ý thức đốt cháy do lo sợ làm lây lan dịch COVID-19. |
Nhiều nền tảng mạng xã hội và internet đã thực hiện một số động thái để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch này, bao gồm cấm nội dung liên quan tới các phương pháp điều trị và chữa COVID-19 và làm nổi bật thông tin đáng tin cậy. Nhưng các thuyết âm mưu về mạng 5G và dịch COVID-19 lại đang tận dụng các lỗ hổng pháp lý của nhiều mạng xã hội để tiếp tục lan truyền.
YouTube cho rằng các thông tin này không vi phạm trực tiếp các chính sách của họ, nhưng khẳng định rằng các video liên quan có thể mất doanh thu quảng cáo và sẽ bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm. Công ty cho biết họ cũng đang điều chỉnh thuật toán để giảm khả năng đề xuất các video có nội dung tương tự.
Trước các cuộc tấn công tháp di động, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Hai đã kêu gọi các mạng xã hội làm nhiều hơn để loại bỏ thông tin sai lệch như vậy.
"Bằng cách phá hủy những cột thu phát sóng này, mọi người thực sự gặp nguy hiểm vì chúng được sử dụng cho các dịch vụ khẩn cấp", người phát ngôn nói với các phóng viên.
Mạng 5G cho phép xử lý dữ liệu lớn hơn và nhanh hơn, và được coi là một thành phần không thể thiếu của các công nghệ kết nối mới như phương tiện tự động và thiết bị thông minh.
Nhưng các thuyết âm mưu sai lệch xung quanh mối liên hệ của 5G với COVID-19 đã xuất hiện kể từ khi virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Không có bằng chứng liên quan đến công nghệ 5G và sự lây lan của dịch bệnh.
Trên Facebook, từ khóa "5G và virus corona" luôn dẫn đến các thông tin đáng tin cậy từ các hãng thông tấn lớn, bệnh viện và tổ chức y tế. Nhưng nếu chỉ tìm kiếm từ khóa "5G", người dùng ngay lập tức đọc được các thuyết âm mưu.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty đang thực hiện các biện pháp "tích cực" để chống lại thông tin sai lệch xung quanh dịch bệnh và đang "bắt đầu loại bỏ các khiếu nại liên kết công nghệ 5G đến COVID-19".