Như đã đề cập những bản tin vừa qua, báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2016 mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố ngày 26/12 đáng chú ý ở những cảnh báo.
Trong đó, một lần nữa, yếu tố đòn bẩy tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế từ năm 2017 tiếp tục được đặt ra.
Trong năm 2016, mối quan hệ trên từng trở nên nổi bật, khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có báo cáo chuyên biệt, nhằm “thông tin lại” câu chuyện Bộ Tài chính yêu cầu ngân hàng này, cùng với Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) phải trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt, mà qua đó không tăng được vốn.
Năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, trong khi kênh tín dụng khó gia tăng do hạn chế năng lực tài chính của nhiều ngân hàng thương mại. |
Báo cáo của BIDV từng đưa ra những định lượng cụ thể về sự hạn chế của khả năng tăng trưởng tín dụng những năm tới đối với tăng trưởng GDP, do cơ chế hiện tại không hỗ trợ họ (cũng như VietinBank) tăng vốn điều lệ, gia tăng năng lực tài chính bằng tranh thủ nguồn lực các cổ đông (Nhà nước là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu chi phối).
Cũng trong năm 2016, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn. Theo đó, trong 5 năm tới, định hướng đã chốt là không sử dụng ngân sách nhà nước để tham gia tăng vốn các ngân hàng thương mại.
Với định hướng trên, khối ngân hàng thương mại nhà nước (đang chiếm tới 52,9% thị phần tín dụng) sẽ rất khó khăn trong kế hoạch tăng vốn điều lệ những năm tới. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) sẽ khó đảm bảo yêu cầu, dẫn tới tăng trưởng tín dụng hạn chế và đòn bẩy tín dụng cho tăng trưởng GDP sẽ kém đi (năm 2017 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%).
Thực tế trên cũng được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nêu trong báo cáo tổng quan vừa công bố.
Cụ thể, đầu mối giám sát này cho biết, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 tổ chức tín dụng thí điểm cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.
Đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV), CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel 2 thì CAR giảm xuống dưới 8%.
“Nếu trong thời gian tới nhóm ngân hàng thương mại nhà nước không tăng được vốn, trong khi phải đảm bảo CAR tối thiểu thì sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 do đây là nhóm có vai trò quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cảnh báo.
Về tình hình chung, cũng theo báo cáo trên, CAR của toàn hệ thống ước tính 2016 là 11,3% (năm 2015 là 11,6%). Toàn hệ thống có 4/92 ngân hàng thương mại có tỷ lệ CAR dưới 9% (dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Đáng chú ý, Ủy ban cho biết, có tới 10/118 tổ chức tín dụng âm vốn tự có. Nếu loại trừ các tổ chức tín dụng bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.
Liên quan đến tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế, báo cáo trên cũng đưa ra những số liệu cho thấy nguồn vốn từ ngân hàng vẫn là một trong những động lực chính.
Trong năm 2016, toàn hệ thống tài chính đã cung ứng khoảng 1,23 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế (gồm nguồn cho vay của các tổ chức tín dụng, phát hành vốn cổ phiếu và trái phiếu). Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng tới 68,1%, thị trường vốn cung ứng 31,9%.
Và tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế tương đương 181,2% GDP.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cung ứng vốn cho nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Cho vay của ngân hàng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cao hơn các nước trong khu vực với tỷ trọng bình quân dưới 50%.
Nhưng từ năm 2017, năng lực gia tăng tín dụng của kênh dẫn vốn chủ yếu này đã bộc lộ những hạn chế nổi bật nói trên.
Theo VnEconomy