1. Bức họa “Bào thai trong tử cung” của Leonardo da Vinci (khoảng 1500 – 1513)
Là một thiên tài toàn năng, không chỉ có tài năng hội họa bậc thầy, Leonardo da Vinci còn là một nhà giải phẫu học tài ba. Ông là người đầu tiên mô tả hình ảnh một bào thai trong tử cung. Trong họa phẩm lừng danh này, Leonardo da Vinci khắc họa tử cung – nơi nuôi dưỡng hình hài đầu tiên của con người như một vỏ hạt dẻ ngựa đang mở.
500 năm trước, danh họa và cũng là nhà khoa học người Ý này đã có thể miêu tả sinh động những bí ẩn về con người thông qua lăng kính sinh học, khoa học tự nhiên thay vì qua góc nhìn tôn giáo thường thấy. Vì lẽ đặc biệt đó, “Bào thai trong tử cung” có thể coi là một trong những họa phẩm vĩ đại nhất trên thế giới. Hiện nay, bức họa đang nằm trong Bộ sưu tập Hoàng gia Anh tại lâu đài Windsor.
2. Bức họa “Thánh John Tẩy giả bị trảm quyết” của Caravaggio (1608)
Gioan Tẩy giả có lẽ là vị Thánh Công giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Trong bức họa của Caravaggio, giây phút tử đạo diễn ra trong sân của một nhà ngục. Tên đao phủ rút dao ra, kề vào cổ Thánh John Tẩy giả và thực hiện cuộc trảm quyết.
Ai đó chứng kiến khoảnh khắc man rợ này qua song sắt tù ngục. Cái chết và sự tàn ác của con người được phơi bày, tỉ lệ cũng như những khoảng sáng tối lại càng xoáy sâu, xâm chiếm lấy tâm trí người xem. Hiện Nhà thờ St John tại Valletta, đảo quốc Malta đang là nơi lưu giữ bức kiệt tác quý giá này.
3. Bức “Tự họa với hai vòng tròn” của Rembrandt (khoảng 1665 – 1669)
Bức chân dung phản ánh một giai đoạn buồn bã trong cuộc đời vị danh họa khi ông bị phá sản, người vợ trẻ sớm qua đời, bản thân ông lại đang vướng vào một vụ kiện tụng với tình nhân. Hai vòng tròn nằm trên tường ở phía hậu cảnh vẫn luôn là một điều bí ẩn. Chiêm ngưỡng bức họa này, bạn sẽ cảm nhận được ánh nhìn thông tuệ thấu suốt của một người đàn ông đã vào độ tuổi xế chiều.
Rembrandt dường như nhìn thấu tâm can của người nhìn và nhận ra cả những điều chưa hoàn hảo. Ông giống như một vị Chúa, một người nghệ sĩ đầy tôn nghiêm, ông khiến cho những ai đứng trước ông cũng như đứng trước tòa án của chân lý và lẽ phải. Hiện bức “Tự họa với hai vòng tròn” đang được lưu giữ tại Kenwood House, London.
4. Các bức họa trong hang Chauvet (khoảng 30,000 năm trước)
Nằm giữa khu vực Ardeche miền Nam nước Pháp, dọc theo dòng sông Ardeche thơ mộng, những hang động ở Chauvet là một trong những di chỉ nổi tiếng nhất thế trên giới về nghệ thuật vẽ tranh trên đá thời tiền sử. Hơn 1.000 bức họa độc đáo, chủ yếu là hình động vật là những tác phẩm tạo hình lâu đời nhất từng được biết đến của con người, với niên đại lên tới 32.000 năm, thậm chí là 35.000 năm. Ai là tác giả của những bức họa động vật tinh xảo và sống động như thật này?
Câu hỏi đó có lẽ sẽ không có lời giải đáp bởi vào thời băng hà chữ viết vẫn chưa ra đời. Những nghệ nhân tranh đá nơi đây có thể là phụ nữ, cũng có thể là trẻ em. Chỉ có một điều chắc chắn, họ là những người Homo sapiens (hay còn gọi là người thông minh) đã để lại dấu ấn với những bức bích họa tuyệt đẹp và thông thái không thua kém gì những bức họa hiện đại ngày nay.
5. Bức “One: Number 31, 1950 của Jackson Pollock (1950)
Nghệ thuật của Jackson Pollock vẫn còn là điều bí ẩn cho đến ngày nay. Bằng cách nào mà việc ném sơn lên bức canvas trải trên nền nhà một cách đầy ngẫu hứng lại có thể cho ra đời một bức họa tuyệt mỹ, một kết cấu hàm ẩn đến thế? Giống như khúc độc tấu của Charlie Parker hay Jimi Hendrix, sự ngẫu hứng đầy tự do như nhảy múa chao đảo nhưng lại đạt được sự nhất quán sâu sắc.
Bức họa theo trường phái trừu tượng gợi nhiều trường liên tưởng trong tâm trí người xem này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng MoMA, New York.
6. Bức “Las Meninas” (Các thị nữ) của Velázquez (1656)
Nhắc đến hội họa baroque, chúng ta không thể không nhắc đến một trong những danh họa vĩ đại nhất của phong cách này, một trong những nghệ sĩ tiên phong trong thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Tây Ban Nha, Diego Velázquez. “Las Meninas” khắc họa hình ảnh một buổi vẽ tranh chân dung gia đình hoàng gia Tây Ban Nha dưới thời trị vì của đức vua Felipe IV trong phòng vẽ của Diego Velázquez tại cung điện Madrid. Điểm nhìn của bạn cũng chính là điểm nhìn của đức vua và hoàng hậu, đứng trước nhóm tùy tùng và phản chiếu hình ảnh qua tấm gương sáng.
Velázquez đứng nhìn từ chính bức chân dung gia đình hoàng gia mà ông đang họa. Công chúa và những người thị nữ (meninas) cùng người lùn nữ tập trung lại trước mặt đức vua. Xa xa phía ngưỡng cửa là nơi một quan thị vệ hay người đưa tin đang đứng. Đây là một trong những bức họa ẩn chứa nhiều lớp lang kỳ lạ nhất thế giới. Las Meninas hiện được lưu giữ và trưng bày tại Museo del Prado, bảo tàng quốc gia của Tây Ban Nha tại Madrid.
7. Bức “Guernica” của Picasso (1937)
Picasso đang ở đỉnh cao của sự nghiệp hội họa khi ông bắt đầu cầm cọ để phản đối cuộc oanh tạc bằng không lực ở Guernica - kinh đô của Basque cổ đại, do Hitler chỉ huy trên danh nghĩa của Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Picasso quyết định chỉ sử dụng các màu đen - trắng - xám miêu tả cảnh tượng ảm đạm u buồn của một đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh.
Chủ đề chính toát lên từ toàn bộ bức tranh là sự hỗn loạn của cái chết. Một chiếc đầu lâu như một phần thân con ngựa, một người lính chết nằm ngay dưới chân ngựa. Kiệt tác “Guernica” cũng gợi nhắc lại những bức họa lịch sử như “Đám cháy ở Borgo” của Raphael như lời tuyên ngôn vĩ đại nhất, mạnh mẽ nhất vì con người trong thế kỷ XX. Hiện “Guernica” đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha Reina Sofia, Madrid.
8. Bức tượng “Prisoners” của Michelangelo (khoảng 1519 – 1534)
Các bức “Prisoners” (Các tù nhân) hay còn gọi là “Slaves” (Các nô lệ) của điêu khắc gia thời Phục hưng Ý Michelangelo vốn được chế tác để đưa vào lăng mộ của Giáo hoàng Julius II, thế nhưng tác phẩm này đã không bao giờ được hoàn thành. Toàn bộ các bức tượng, bao gồm cả bức “Dying and Rebellious Slaves” hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre và “Moses” – bức tượng lớn cuối cùng của Michelangelo, đã tạo nên kiệt tác dang dở vĩ đại nhất trên thế giới.
Sự dang dở này không xuất phát từ sự lười biếng, mà là một sự lựa chọn mỹ học. Sự trỗi dậy bi thương của các tù nhân khi cố gắng thoát ra khỏi những tảng đá đầy bất công đã nói lên số phận con người tương tự như bi kịch Hamlet của đại thi hào Shakespeare. Hiện “Prisoners” đang được lưu giữ tại Viện Hàn lâm nghệ thuật Accademia Gallery, Florence, Ý.
9. Các bức phù điêu ở đền Parthenon (năm 447 – 442 TCN)
Ngôi đền Parthenon linh thiêng, Hy Lạp được xem là kiệt tác kiến trúc cổ điển, nơi lưu giữ những bức phù điêu bằng đá cẩm thạch trải dài trên vách đền, các pho tượng thần đồ sộ và những nét chạm khắc loài nhân mã cuồng nộ đang chiến đấu với con người. Có đến một nửa số tượng điêu khắc tại đền đã bị huân tước Elgin lấy đi khỏi Athens Acropolis (thành phòng thủ của Athen) và chuyển đến London từ hai thế kỷ trước. Phần lớn các tuyệt phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ đại chỉ được biết tới qua các bức sao chép của Công giáo.
Dù vậy, đó vẫn là biểu trưng của mỹ thuật thực sự, là cái nôi của tư tưởng “cổ điển”. Hãy nhìn hình tượng con bò là nguồn cảm hứng cho Keat khi sáng tác trường ca “Ode on a Grecian Urn”, hay tượng những nữ thần khoác trên mình chiếc áo choàng giống trong tranh của Leonardo da Vinci tới mức kỳ lạ. Những ai yêu nghệ thuật cổ điển có thể tới Bảo tàng Anh, London để chiêm ngưỡng những kiệt tác phù điêu này.
10. Bức họa “Mont Sainte-Victoire” của Cézanne (1902 – 1904)
Mont Sainte-Victoire là một ngọn núi ở miền nam nước Pháp. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số bức tranh của danh họa Cézanne. Những nét họa đứt gãy đã tạo nên những mảng màu lấp lánh, để lại chút gì đó như do dự, ngập ngừng. Xúc cảm mãnh liệt của thị giác cùng sự dữ dội trong tâm trí Cézanne khi ông dồn ánh nhìn vào ngọn núi trước mắt và bằng cách nào đó nắm trọn bản thể của nó là một trong những nỗ lực mạnh mẽ và trần trụi nhất trong lịch sử hội họa.
Cái nhìn đó toát lên tinh thần của phong trào lập thể và xu hướng trừu tượng, là cái nhìn của một trong những họa sĩ vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất đến hội họa hiện đại thế kỷ XX. Hiện Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia là nơi lưu giữ họa phẩm quý giá này.
Xem thêm:
1. Những kiệt tác hội họa làm đau đầu hậu thế của Leonardo da Vinci
2. Pablo Picasso và bí ẩn tác phẩm "Chân dung Gertrude Stein" nổi tiếng
3. Tiểu thuyết gia Sidney Sheldon: Người 'dệt' nên những tuyệt phẩm hấp dẫn vô song
4. Bí mật cuộc đời đầy bi kịch của thiên tài hội họa Van Gogh
5. Wassily Kandinsky – Bậc thầy hội họa tiên phong cho trường phái trừu tượng