Do hoạt động mở rộng sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc trừ sâu đã gia tăng trên toàn cầu đã làm dấy lên lo ngại về gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tổ chức đã lên tiếng kêu gọi giảm sử dụng hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu.
Các nhà nghiên cứu ở Australia đã tiến hành mô phỏng nguy cơ ô nhiễm ở 168 quốc gia dựa trên dữ liệu sử dụng 92 thành phần thuốc trừ sâu.
Dùng kết quả ước tính về tỉ lệ sử dụng thuốc trừ sâu trong dữ liệu khảo sát địa chất của Mỹ và thông tin của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở mỗi nước, các nhà nghiên cứu đã xem xét 59 loại thuốc diệt cỏ, 21 loại thuốc trừ sâu và 19 loại thuốc diệt nấm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 64% đất canh tác trên toàn cầu (tương đương gần 24,5 triệu km2) có nguy cơ ô nhiễm do nhiều hơn 1 thành phần trong thuốc trừ sâu và 31% đất canh tác có nguy cơ ô nhiễm cao.
Châu Á có diện tích đất canh tác lớn nhất có nguy cơ ô nhiễm cao, với 4,9 triệu km2, trong đó 2,9 triệu km2 là ở Trung Quốc. Trong khi đó, gần 62% diện tích đất nông nghiệp ở châu Âu (2,3 triệu km2) có nguy cơ cao ô nhiễm thuốc trừ sâu.
"Nghiên cứu này rất quan trọng do ô nhiễm có thể lan rộng và một số khu vực có nguy cơ cao bị đe dọa đa dạng sinh học và khan hiếm nước", tác giả hàng đầu của nghiên cứu - bà Fiona Tang của khoa kỹ sư dân dụng thuộc Đại học Sydney nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cũng cứu nêu bật một vài hệ sinh thái dễ rất bị tổn thương ở Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Argentina chủ yếu có nguy cơ cao về ô nhiễm, khan hiếm nước và đa dạng sinh học.
Theo bà Tang, một số yếu tố sẽ góp phần biến một khu vực trở thành "điểm nóng" về ô nhiễm, trong đó có việc sử dụng quá nhiều hàm lượng thuốc trừ sâu hoặc những thuốc trừ sâu có chứa chất độc hại cao.
Một số yếu tố về môi trường cũng sẽ làm chậm quá trình phân hủy thuốc trừ sâu trở thành những chất không độc hại, như nhiệt độ lạnh hay hàm lượng carbon thấp trong đất.
Tuy nghiên cứu không xem xét trực tiếp về tác động của ô nhiễm thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người, song các nhà nghiên cứu cho rằng việc thuốc trừ sâu thẩm thấu vào nguồn nước uống có thể là một mối đe dọa, đồng thời kêu gọi tiến hành phân tích sâu hơn về mức độ ô nhiễm của thuốc trừ sâu ở sông ngòi, ao hồ.
Nghiên cứu cũng kêu gọi các nước đề ra một chiến dịch toàn cầu để hướng tới "một nền nông nghiệp bền vững và lối sống bền vững" liên quan tới việc sử dụng ít thuốc trừ sâu, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm
Năm 2019, trong báo cáo Triển vọng Môi trường Toàn được công bố, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước giảm sử dụng thuốc trừ sâu, cho rằng sản xuất lương thực không những là nguyên nhân chính làm mất đa dạng sinh học, mà còn gây ô nhiễm không khí, nước sạch, nước biển, nhất là khi hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng hóa chất.
PV