Theo báo cáo từ Sở Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), cơ quan được Liên minh châu Âu hỗ trợ, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2019 cao hơn so với mức trung bình giai đoạn từ 1981 tới 2010, chỉ có năm 2016 là nóng hơn năm 2019. Tuy nhiên năm vừa qua cũng được coi là năm châu Âu trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử.
C3S cũng tuyên bố rằng năm 2019 là "năm thứ 5 nhiệt độ tăng liên tiếp, lưu ý nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 5 năm qua cao hơn từ 1,1 đến 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Các phép đo vệ tinh cũng tiết lộ rằng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2019 và Alaska hay Bắc cực là những khu vực có sự chuyển biến rõ nhất về nhiệt độ".
Ông Carlo Buontempo, người đứng đầu C3S, cho biết 2019 là một năm ấm đặc biệt, "trên thực tế là lần năm ấm thứ hai trong bộ dữ liệu của chúng tôi, với nhiều tháng phá vỡ kỷ lục".
Trong một tuyên bố khác, ông Jean-Noël Thépaut, giám đốc Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu, lưu ý rằng "5 năm qua là những năm có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận, thập kỷ vừa qua cũng là giai đoạn ấm nhất trong lịch sử. Đây là những dấu hiệu đáng báo động".
Theo báo cáo tháng 8 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 năm 2019 là tháng nóng nhất trên Trái đất, vượt qua cả tháng 7 của năm 2016.
Nhiệt độ cao đã trở thành tiêu đề gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2019, khi lục địa châu Âu trải qua các trận nắng nóng kéo dài vào tháng 6 và tháng 7. Trong khi đó, băng ở vùng biển Alaska đã hoàn toàn tan chảy, theo dữ liệu vệ tinh từ Sở thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), trong khi các vụ cháy rừng chưa từng có trong tiền lệ đã tàn phá Australia kể từ tháng 9 cho tới nay.