Nhiệt độ đo được ở Penrith, khu vực ngoại ô phía Tây TP Sydney, đạt mức kỷ lục 48,9 độ C trước 16 giờ (giờ địa phương), trở thành ngày nóng nhất từ khi khủng hoảng cháy rừng bắt đầu hồi tháng 9-2019. Chỉ số này đánh bật kỷ lục hồi tháng 1-2018 là 47,3 độ C. Penrith trở thành vùng ngoại ô nóng nhất kể từ năm 1939, theo 9news.com.au. Rất may, không có vụ cháy lớn nào trong khu vực.
Chiều 4-1, nhiệt độ đo được ở Canberra là 43 độ C, phá vỡ kỷ lục trước đó ở mức 42,2 độ C ghi nhận vào năm 1968. Vào lúc 10 giờ ngày hôm nay, Nowra - bờ biển phía Nam New South Wales – đạt 33,9 độ C.
Cục Khí tượng học Úc (BoM) dự đoán Nowra nắng nóng đỉnh điểm với mức nhiệt cao nhất lên ngưỡng 45 độ C với gió giật mạnh và nóng. Vào buổi chiều nay, gió giật lên tới 35 km/giờ và tăng dần lên 45 km/giờ vào buổi tối.
Trong lúc phải vật lộn với cháy rừng, Úc có thể phải đối mặt với một cơn bão nhiệt đới vào cuối tuần này. Cục Khí tượng Úc cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu một cơn bão nhiệt đới sẽ hình thành ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc của Tây Úc trong 2 ngày tới.
Nếu một cơn bão nhiệt đới hình thành, thời tiết khắc nghiệt hơn với mưa gió lớn ở khu vực bờ biển. Bất kể có hình thành bão nhiệt đới hay không, rất có khả năng gió và mưa sẽ tăng trên các khu vực phía Bắc vào đầu tuần tới.
Các nhà chức trách lo ngại khả năng xảy ra hỏa hoạn mới từ sét vào ngày mai. Sét khô (được tạo ra trong những cơn mưa giông hình thành ở tầng cao nhưng không gây ra mưa) có thể tấn công, bồi thêm đau thương cho ác mộng cháy rừng ở New South Wales.
Trong khi đó, ở phía Đông Nam nước Úc, hàng triệu người vẫn đang vật lộn với cháy rừng khủng khiếp, khiến nhiều người dân chạy trốn khỏi nhà và hủy bỏ kế hoạch nghỉ lễ. Thị trấn Mallacoota bị hỏa hoạn tàn phá, hàng ngàn người vẫn mắc kẹt trên bãi biển, dự kiến chịu cảnh nóng tới 40 độ C.