31. Bulgaria - Hát bội Visoko tại làng Dolen và Satovcha, Tây Nam Bulgaria
Visoko là phong tục hát bội truyền thống chỉ có ở các làng Dolen và Satovcha của Bulgaria. Có ba loại: âm vực thấp, âm vực cao và kết hợp cả hai. Các bài hát Visoko, còn được gọi là bài hát mùa hè, theo truyền thống được hát ngoài trời bởi những người phụ nữ làm việc trên cánh đồng.
Ngày nay, tục lệ này được lưu truyền lại cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua các nhóm hát địa phương. Vikoso được xem là biểu tượng của âm nhạc địa phương, góp phần tạo ra một kết nối cộng đồng giữa các ca sĩ với nhau, giữa ca sĩ và khán giả của mình.
32. Ukraine - Hệ thống ký hiệu Ornek trang trí trên các sản phẩm của người Tatar ở đảo Crimea
Örnek là một hệ thống ký hiệu ở Ukraine, được sử dụng trên nhiều vật dụng khác nhau như đồ thêu, dệt và gốm. Các ký hiệu được sắp xếp để tạo ra một câu chuyện có ý nghĩa. Tổng cộng có khoảng 35 biểu tượng với những ý nghĩa riêng. Cộng đồng người Tatar ở Crimea đều hiểu ý nghĩa của các biểu tượng và thường ủy thác cho các nghệ nhân tạo ra các tác phẩm nhất định với mong muốn truyền đạt một thông điệp cụ thể.
Các kiến thức và kỹ năng liên quan được truyền tải bởi các nghệ nhân lành nghề trong gia đình và cộng đồng, trong các bối cảnh không chính thức như những lớp học thêu, và trong các bối cảnh chính thức như trường đại học.
33. Bỉ - Cà kheo Namur
Đi cà kheo Namur là một truyền thống của Bỉ tồn tại từ đầu thế kỷ 15. Nghệ thuật cà kheo được thực hiện nhân dịp các lễ hội lớn của Namur và ngày nay là trong các lễ hội của vùng Wallonia (vùng nói tiếng Pháp). Truyền thống này nảy sinh có từ thời thành phố thường xuyên bị ngập lụt bởi lũ sông Meuse và Sambre. Để giữ khô ráo, người dân phải di chuyển trên cà kheo.
Hàng năm, tại lễ hội Wallonia, những người đi cà kheo tham gia một cuộc thi văn hóa dân gian, được tổ chức bên cạnh Nhà thờ St Aubain. Sự kiện hoàn toàn miễn phí, khán giả có thể tập trung xung quanh khu vực thi đấu và cổ vũ cho các đội yêu thích của mình.
Cà kheo là một dấu ấn mạnh mẽ về bản sắc Namur và được xem như một yếu tố gắn kết cộng đồng. Tập tục được truyền lại cho các thế hệ thông qua các buổi tập huấn địa phương, trong gia đình và trường học.
34. Italia - Săn và chiết xuất nấm truffle, kiến thức và thực hành truyền thống
Săn và chiết xuất nấm truffle (nấm cục) ở Italia đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với sự giúp đỡ của một chú chó, những người thợ săn nấm cục, hay còn gọi là tartufai, xác định các khu vực mà loại nấm này ngầm phát triển. Sau đó, họ sử dụng thuổng để nhổ nấm cục lên mà không làm ảnh hưởng đến điều kiện đất đai. Nấm truffle chính là một nguồn thu nhập đáng kể của nhiều cộng đồng nông thôn, họ cần đảm bảo có được một loạt các kỹ năng và kiến thức liên quan đến việc quản lý các hệ sinh thái tự nhiên đề duy trì công việc này.
Hàng năm, người dân cũng sẽ tổ chức các bữa tiệc để đánh dấu sự bắt đầu và kết thúc của mùa nấm cục.
35. Hà Lan - Diễu hành hoa và trái cây Corso ở Hà Lan
Có niên đại từ cuối thế kỷ 19, Corso là cuộc diễu hành và thi đấu hàng năm của người Hà Lan, với những chiếc phao hoặc thuyền được trang trí bằng hoa, trái cây, rau quả, và trong một số trường hợp là cả con người, thường đi kèm với âm nhạc và biểu diễn sân khấu. Tập tục này góp phần tạo ra một xã hội gắn bó và đoàn kết, các nhóm hoặc toàn bộ khu dân cư thường dành hàng tháng trời để chuẩn bị, trang trí những chiếc phao dài tới 20 mét và cao 10 mét cho sự kiện này.
Văn hóa Corso được phổ biến thông qua các khóa học tại trường, quan sát và trực tiếp tham gia vào các cuộc diễu hành hàng năm.
36. Uzbekistan - Nghệ thuật Bakhshi
Bakhshi là nghệ thuật trình diễn thông qua kể lại các câu chuyện sử thi với phần đệm của các nhạc cụ truyền thống. Những người kể chuyện, còn được gọi là Bakhshis, sẽ kể lại những bài thơ anh hùng, các câu chuyện lịch sử và lãng mạn dựa trên thần thoại, truyền thuyết, hay truyện dân gian. Những màn trình diễn Bakhshis thành công phải có khả năng thu hút người nghe bằng giai điệu, truyền tải lại những câu chuyện một cách thú vị và độc đáo.
Bakhshi là một phần quan trọng trong lối sống của người Uzbekistan, những người kể chuyện được bố trí chào đón khách trong các nghi lễ, sự kiện gia đình, ngày lễ và lễ hội địa phương.
Kiến thức và thực hành Bakhshi được truyền cho các thế hệ trong gia đình và thông qua các trường dạy Bakhshi chính thức.
37. Montenegro - Di sản văn hóa Hải quân Boka Navy Kotor
Boka Navy Kotor là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 809, bao gồm một cộng đồng những người đi biển. Tổ chức đã đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy lịch sử và truyền thống hàng hải, đồng thời là trụ cột của các lễ hội Thánh Tryphon hàng năm. Trong các dịp này, các thành viên mặc đồng phục và thực hiện điệu nhảy vòng tròn truyền thống.
Nam giới, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia sự kiện. Mọi Kiến thức và kỹ năng liên quan được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình và thông qua các ủy ban của Hải quân Boka Navy Kotor, các khóa đào tạo, triển lãm, hội nghị và ấn phẩm xuất bản.
38. Ba Lan - Truyền thống trải thảm hoa tại đám rước Corpus Christi
Truyền thống trải thảm hoa vốn gắn liền với Lễ Corpus Christi ở Ba Lan. Corpus Christi bao gồm một thánh lễ, và sau đó là đám rước. Các gia đình ở một số làng sử dụng hoa để xếp thành những tấm thảm đầy màu sắc trên tuyến đường rước kiệu. Truyền thống này là hoạt động gắn kết toàn bộ cộng đồng và định hình bản sắc địa phương.
Tục lệ đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đặc biệt là trong các gia đình. Các hội thảo tạo mẫu cũng thường xuyên được tổ chức tại các trường học, với sự hỗ trợ của giáo xứ và các tổ chức phi chính phủ.
39. Haiti - súp Joumou
Ủy ban liên chính phủ quyết định công nhận di sản này dựa trên lời khuyên của Cơ quan Đánh giá và theo một thủ tục nhanh chóng, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể do những khó khăn gần đây của Haiti.
Joumou, hay súp giraumon, là món súp bí ngô truyền thống của Haiti được làm từ rau, chuối, thịt, mì ống và gia vị. Đây là một món ăn dùng trong các dịp kỷ niệm, mang đậm bản sắc Haiti. Ban đầu, món ăn được dành phục vụ cho lớp chủ nô, và dần dần người Haiti đã nắm quyền sở hữu khi giành được độc lập từ Pháp, biến món ăn trở thành biểu tượng của nền tự do mới giành được, và là biểu hiện của phẩm giá, sự kiên cường của Haiti.
Giraumon là một loại bí ngô từng được người dân bản địa vùng Caribê trồng, được chế biến và sử dụng đặc biệt vào ngày đầu tiên của tháng Giêng - Ngày Độc lập của Haiti - bữa ăn đầu tiên trong năm. Món súp cũng được sử dụng như bữa sáng truyền thống ngày Chủ nhật. Ngày nay, một số biến thể của món súp có thể được tìm thấy trong các ẩm thực Caribe và Mỹ Latinh.