1. Cân bằng dinh dưỡng trong từng bữa ăn
Vào mỗi dịp Tết, bên mâm cỗ của các gia đình thường có rất nhiều món ăn giàu đạm, tinh bột cũng như chất béo. Tuy nhiên, đây lại là những tác nhân dẫn đến tăng cân và cholesterol trong máu, đồng thời chúng còn có thể gây nên các bệnh lý về tim mạch. Do đó, bạn cần chú ý bổ sung rau xanh cùng hoa quả tươi để cung cấp chất xơ cho cơ thể, từ đó cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng nóng trong người và táo bón. Đồng thời, màu xanh từ rau củ cũng làm cho những món ăn của bạn trở nên phong phú và bắt mắt hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn bánh, mứt, kẹo vì đây là những thực phẩm chứa nhiều đường hóa học có khả năng thúc đẩy tốc độ quá trình lão hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường hay tim mạch.
2. Không bỏ bữa vì bất kỳ lý do nào
Mặc dù bận rộn với lịch trình chúc Tết dày dặc hoặc các buổi hẹn du xuân cùng gia đình hay bạn bè, bạn cũng nên lưu ý tự chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống đúng giờ. Bỏ bữa hoặc ăn dồn bữa sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể lúc quá no, lúc quá đói.
Việc nạp năng lượng đúng giờ cho cơ thể đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ tiêu hóa cũng như nguồn năng lượng dự trữ cho hoạt động trong ngày. Do đó, bạn hãy cố gắng đảm bảo ăn uống đúng giờ mỗi ngày để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.
3. Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn và nước ngọt có gas
Uống nhiều bia rượu cùng với các thực phẩm giàu đạm và chất béo trong các bữa ăn có thể dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, gây hại cho hàng loạt cơ quan như não, dạ dày, gan, tim mạch...
Ngoài ra, dùng các loại thức uống chứa cồn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa việc uống bia rượu cũng như một số đồ uống có gas khác để có thể tránh tình trạng say xỉn, nôn mửa hay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
4. Duy trì tập luyện thể dục thể thao
Thời gian nghỉ Tết cũng là lúc cơ thể ít hoạt động hơn hẳn so với ngày thường. Trong khi đó, lượng thực phẩm và chất dinh dưỡng mà bạn thu nạp vào những ngày này lại cao hơn rất nhiều so với quãng thời gian còn lại trong năm. Điều này khiến cho một số cơ quan nội tạng thuộc hệ tiêu hóa, chẳng hạn như dạ dày, ruột non, ruột già…, có thể phải làm việc liên tục và đôi khi sẽ bị quá tải.
Do đó, mỗi ngày bạn nên dành từ 15 – 30 phút để rèn luyện thể dục thể thao nhằm giúp quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể hiệu quả hơn. Đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc tập những động tác vận động toàn thân sẽ giúp ích rất lớn cho việc tiêu hao lượng calo dư thừa và giúp cơ thể khỏe mạnh.
5. Cảnh giác với những căn bệnh thường gặp trong dịp Tết
Thói quen sinh hoạt thất thường của bạn vào những ngày nghỉ này có thể gây ra hậu quả là những căn bệnh như:
Viêm đường hô hấp cấp tính
Tết cũng là thời điểm chuyển giao mùa, bao gồm những thay đổi về nhiệt độ hay độ ẩm. Thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh cũng như nhiều loại vi khuẩn phát triển và lây lan qua đường hô hấp, ví dụ như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng… Trẻ em, người già hay những người sức đề kháng yếu thường có nguy cơ cao mắc các căn bệnh này.
Để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, bạn nên chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là những khu vực như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu khi trời chuyển lạnh. Đồng thời, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm và cũng nên hạn chế đến các chỗ quá đông người.
Tiêu chảy
Vào dịp Tết, mọi người thường dự trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. Trong đó bao gồm các đồ ăn đã chế biến sẵn, nguyên liệu thực phẩm tươi sống và cả thức ăn dư thừa tích lại qua nhiều bữa. Nếu như ăn phải đồ ăn bị ôi thiu hoặc đã để qua một khoảng thời gian dài, thậm chí ăn các món chứa các chất kỵ nhau thì có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Để phòng tiêu chảy, bạn cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, nhất là trái cây giàu vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bạn cũng nên tránh sử dụng trực tiếp đồ ăn lấy từ tủ lạnh – hãy hâm nóng lại trước khi dùng – và nhớ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn thường kéo theo tình trạng nôn mửa và tiêu chảy. Nếu nó trở nặng thì còn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn.
Thông thường, người bị ngộ độc thức ăn là do ăn phải đồ ăn bị nhiễm độc tố, vi khuẩn hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi lựa mua các loại thực phẩm, đặc biệt nếu bạn có sở thích ăn những món sống như sashimi, gỏi cá hay thịt tái như phở bò tái, beef steak.
Ngoài ra, khi cất trữ đồ ăn, bạn nên phân loại cũng như để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Thức ăn phải được nấu chín trước khi ăn, đồng thời chú ý cần dùng nước sạch và thực phẩm an toàn đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ.