Được biết, ngày 23/1 (tức ngày 28 Tết), Việt Nam đã ghi nhận hai ca nhiễm virus corona mới đầu tiên, đó là hai bố con người Trung Quốc. Hiện tại, các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Trước tình hình trên, nhằm giúp người dân phòng tránh lây nhiễm dịch viêm phổi cấp do nCoV, Ths.Bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã có những lời khuyên vô cùng hữu ích.
Theo đó:
1. Cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy cũng như trước và sau khi tiếp xúc với cộng đồng cư dân đông đúc để dự phòng nhiễm bệnh. Mỗi người nên tự trang bị cho mình một lọ dung dịch sát khuẩn tay nhanh và luôn mang theo bên mình.
2. Dù là ngày Tết nhưng cũng nên hạn chế tham dự những sự kiện quá đông người, đặc biệt những khu vực hai bệnh nhân ở trên đã đi qua
3. Tất cả những người trở về từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do Corona virus trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời
4. Luôn luôn che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Mỗi người nên sắm cho mình 1 khăn mùi soa để trong túi quần để dùng khi cần thiết.
5. Hạn chế tiếp xúc với chó mèo và các động vật nuôi khác, hạn chế vào các vườn thú. Các loại thịt và trứng cần nấu chín kỹ trước khi ăn.
6. Uống nhiều nước, tăng cường ăn những loại trái cây có chứa nhiều VitaminC như cam, bưởi, chanh và những hoa quả nhiều VitaminC khác; hoặc bổ sung Vitamin bằng việc uống thêm viên sủi MultiVitamin.
Ths.Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Facebook nhân vật) |
7. Duy trì tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng
8. Bất cứ ai nếu có dấu hiệu sốt (đo nhiệt độ trên 38 độ C); bị ho, tức ngực, khó thở, đau nhức xương khớp... thì cần cách lý với những người khác ngay lập tức bằng cách ở phòng riêng, không nên ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Đeo khẩu trang liên tục, uống nhiều nước, dùng các loại thuốc giảm đau chống cúm như: Tylenol, Dayquil, Nightquil, Ibuprofen...; cũng như tăng cường ăn uống để kiểm soát và chữa trị các triệu chứng ban đầu. Song song với đó, người bệnh cần báo ngay cơ quan y tế gần nhất để được trợ giúp và tư vấn.
9. Bất cứ ai, ở bất kỳ nơi đâu nếu trong trường hợp phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm như: sốt, ho, khó thở, đau nhức xương khớp… cần thông báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất cùng chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp giám sát, xử lý và ứng phó nhằm không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng.
10. Hàng năm, mỗi người nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm một lần để có thể dự phòng được những chủng cúm mà bản thân có thể sẽ mắc phải.