Ngày 1/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi dẫn đầu đoàn khảo sát Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, khi doanh nghiệp có yêu cầu gia hạn thời gian tiếp nhận rác để chờ thiết bị.
Ông Tô Công Lý, Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau, cho biết ba tháng qua đơn vị tạm dừng hoạt động để bảo hành, sửa chữa đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, do thiết bị nhập khẩu để thay thế chưa về, cần gia hạn thêm khoảng 90 ngày.
Khó khăn của chủ đầu tư là sau 6 năm hoạt động, nhà máy lỗ khoảng 133 tỷ đồng. Đơn vị đề nghị cơ quan chức năng xem lại cách tính thuế vì bị truy và phạt gần 10 tỷ đồng; xin được giao 10 ha đất, xem xét các chính sách thuế, nâng giá hỗ trợ xử lý rác từ 350.000 lên 500.000 đồng cho mỗi tấn rác...
Lãnh đạo đoàn khảo sát đã chia sẻ khó khăn với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (chủ đầu tư). Tuy nhiên, ông Bi không đồng ý với những kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó có việc xin gia hạn ngưng hoạt động thêm 3 tháng.
Trao đổi với PV, ông Lý cho biết doanh nghiệp tham gia xử lý rác để bảo vệ môi trường của địa phương nhưng phân hữu cơ sản xuất ra không bán được. Giá hỗ trợ xử lý rác của tỉnh Cà Mau không đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động lâu dài vì tháng nào cũng lỗ vốn vài tỷ đồng.
Trong lần bảo trì từ 3 tháng trước, Công ty Công Lý phải chi hàng chục tỷ đồng để mua sắm thiết bị. Thiết bị chưa nhập về kịp, việc bảo trì chưa xong, doanh nghiệp không thể tiếp tục nhận rác để xử lý.
"Các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên được bù lỗ, còn chúng tôi tự gồng gánh, tháng nào cũng lỗ mà không được xem xét hỗ trợ giá xử lý rác và giao thêm đất thì chúng tôi đóng cửa nhà máy. Năm trước, chúng tôi muốn giao lại nhà máy cho địa phương nhưng Cà Mau không nhận", ông Lý chia sẻ.
Nói về lý do chậm nâng giá hỗ trợ xử lý rác, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết định mức xử lý rác đã được tỉnh trình Bộ Xây dựng nhưng chưa được thẩm định.
Được biết, hơn 8 năm trước, Công ty Công Lý xây dựng nhà máy xử lý rác tại khu đất 25 ha ở xã An Xuyên, TP Cà Mau. Nhà máy có hệ thống thiết bị công nghệ Vibio, công suất xử lý 200 tấn rác mỗi ngày. Lúc khởi công, nhà đầu tư hy vọng sẽ có lãi nhưng khi bắt tay vào xử lý rác mới gặp nhiều khó khăn.