Ngày 5 - Chợ Tân Bình (Lý Thường Kiệt, P.6, Tân Bình, TP.HCM): Hỗ trợ giảm thuế sau COVID-19 không thấm vào đâu so với thiệt hại
Có lẽ ở chợ Tân Bình là khiến cho phóng viên cảm nhận nỗi lo toan của tiểu thương rõ rệt nhất khi cuối năm đang chầm chậm tiến đến gần bên. Dịch covid-19 khiến chợ lâm vào cảnh ế ẩm kéo dài. Nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế cần đánh giá lại doanh thu để có mức giảm thuế sát với thực tế nhằm hỗ trợ tiểu thương. Chợ Tân Bình và một số chợ khác cũng nằm trong số được giảm thuế do ảnh hưởng của dịch. Thế nhưng, giảm chẳng được bao nhiêu mà từ sau 2 trận dịch, đã có hơn 1/3 các sạp đóng cửa, trả mặt bằng. Dịp cuối năm, một số sạp thuê mở lại để tranh thủ bán dịp Tết, nhưng cũng chưa có gì khởi sắc mấy.
Hàng hoá treo đầy ngập, nhưng vắng khách. Các tiểu thương đều cho rằng thiệt hại do dịch bệnh quá lớn. |
Theo ông Huỳnh Phương (Phó trưởng ban Quản lý chợ), cho biết: “Chợ Tân Bình có hơn 3.300 sạp hàng. Tuy nhiên, sau 2 đợt dịch Covid-19, gần 1.000 sạp hàng đã đóng cửa. Dịp cuối năm này có một số đã mở lại, buôn bán bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng so với hồi ảnh hưởng dịch thôi, còn so với mọi năm đây là một năm quá nhiều biến cố của tiểu thương”.
Chị V. một tiểu thương kinh doanh áo quần trong chợ cho biết, hồi tháng 8, tháng 9 sau nhiều lần viết đơn, cửa hàng của chị và một số bạn hàng trong chợ nhận được thông báo sẽ có hỗ trợ giảm thuế do bị ảnh hưởng của dịch. Chị được giảm thuế khoán bao gồm: thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng trong ba tháng (tháng 3 - 5/2020) với tổng số tiền thuế giảm gần 2 triệu đồng. Trong đó giảm mạnh nhất là tháng 3 và tháng 4, còn tháng 5 chỉ giảm 300 nghìn đồng. Một số sạp khác chỉ được mức giảm thuế tổng cộng trong 3 tháng vài trăm ngàn đồng. Số thuế được giảm cơ quan thuế sẽ trừ dần vào tiền thuế các tháng sau cho đến khi hết.
Các tiểu thương đều cho rằng thiệt hại do dịch bệnh quá lớn và mức giảm như trên chưa tương xứng. Tiểu thương chợ rất mong được giảm thuế đợt cuối năm và hỗ trợ nhiều hơn, bởi họ thiệt hại rất nhiều bởi Covid-19 và không biết nếu Covid còn quay trở lại, tiểu thương sẽ không biết tính làm sao.
Ngày 6 – Chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM): Chịu chung số phận vì COVID-19
Đang là khu chợ nổi tiếng sầm uất, buôn bán luôn luôn đông đúc, tấp nập người qua lại, thì nay khu chợ Bến Thành rơi vào tình trạng buôn bán thưa thớt, một số chủ hàng còn cho biết rất ế ẩm những ngày này.
Chợ Bến Thành rơi vào tình trạng buôn bán thưa thớt, một số chủ hàng còn cho biết rất ế ẩm những ngày này. |
Anh T.T (chủ cửa hàng lưu niệm trong chợ Bến Thành) cho biết “khách Tây cũng vắng mà khách ta cũng vắng, ở đây mỗi ngày đón người vào tham quan chụp hình thì có, còn buôn bán chẳng là bao”.
“Thật sự không có từ nào để diễn tả, tôi còn ở lại vì tin qua năm nay mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, chứ nhiều người ở đây đã tháo chạy hết rồi!”. – Chị Ngọc Ánh, cùng bán đồ lưu niệm thốt lên khi phóng viên hỏi đến công việc kinh doanh.
Quan sát một nhóm khách ngoại quốc, họ di chuyển từ quầy hàng này sang quầy hàng kia, cầm cầm xem xem, nói cười với nhau bằng tiếng bản địa rồi lại đặt xuống, rồi lặp lại hành động ấy ở quầy hàng tiếp theo, tuyệt nhiên không thấy mua hàng. Còn các chủ cửa hàng có lẽ cũng quá quen thuộc, sau một vài lời giới thiệu, mặc cho khách của mình “muốn làm gì thì làm”.
Ngày 7 – Chợ hoa Hồ Thị Kỷ (P.1, Quận 10, TP.HCM): Hoa vẫn nở và người vẫn vui
Những sắc màu tươi thắm của hàng trăm loại hoa ở các cửa hàng hoa chợ Hồ Thị Kỷ khiến cho bao trăn trở, mệt nhọc, lo toan của người ta như tan biến. Nơi đây, hoa vẫn thắm, lá vẫn xanh, cả chủ và nhân viên các cửa hàng hoa vẫn miệt mài mời khách mua hoa.
Đủ các loại hoa từ Đà Lạt hay hoa nhập, giá bán của chợ hoa Hồ Thị Kỷ được xem là rẻ nhất thành phố, đôi khi, cũng có nói thách, nhưng không bao nhiêu.
Một cửa hàng hoa đầu đường Hồ Thị Kỷ |
Em Thành Vinh, nhân viên cửa hàng hoa Ngọc Nữ cho biết, em là sinh viên làm thêm ở đây “Theo em quan sát thì hồi còn tâm dịch chợ có ế ẩm, hoa không nhập được, buôn bán trong chợ cũng đìu hiu. Nhưng từ tháng 9 đến nay mọi thứ đã ổn định hơn, các dịp lễ lộc khách vẫn đông, hoa vẫn bán được nhưng nghe chủ nói bán không được như năm ngoái, chắc là tình trạng chung của cả nước rồi”.
“Bán chậm, lễ lộc vừa rồi chị cũng bị ảnh hưởng. |
Anh Đông, chủ cửa hàng hoa An Đông chia sẻ “Người bán hoa thì ít buồn lắm, mặc cho bán lúc được lúc không. Tôi có người em kinh doanh trang sức nhưng đóng cửa dẹp tiệm rồi, cũng vì khó khăn chung, tôi tự nghĩ, mình còn buôn bán được là may mắn. Cuối năm số lượng và loại hoa nhập về ngày càng nhiều, khách đến chợ tuy ít hơn mọi năm nhưng cũng bán cũng ổn”.
Khác với anh Đông, chị Ngọc Lan cũng là chủ một shop hoa nhỏ cạnh đó, cho biết “Bán chậm, lễ lộc vừa rồi chị cũng bị ảnh hưởng vì người ta nói không mua hoa để dành tiền làm từ thiện, cũng không trách khách được, chỉ là một năm “gì đâu” không thể hiểu nỗi”.
Thay lời kết!
Năm 2020 là một năm buồn với các tiểu thương của các khu chợ, không riêng gì tại TP.HCM mà trong cả nước bởi phải chịu 2 trận đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh tế đời sống nên tình trạng buôn bán ế ấm, đìu hiu là điều khó tránh khỏi. Những ngày cuối năm, dạo qua các chợ mới thấy rõ hơn một bộ phận lớn của xã hội đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động trong năm. Những khó khăn chồng chất khó khăn, những lo toan, những món nợ nần chất chồng khi một năm mới lại sắp sang.
Có người đã thốt lên “Năm nay không có Tết!”, nghe thật buồn. Nhưng biết làm sao được, mệt nhọc suốt cả 365 ngày, rồi cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi, để tính toán, để thu xếp lại mọi thứ. Và hy vọng, kết thúc một năm khó khăn, qua năm mới tiểu thương ở các khu chợ sẽ đón nhiều niềm vui, nhiều khởi sắc hơn.