Ngày 1 - Chợ Thanh Đa (P.27, Bình Quới, Bình Thạnh, TP.HCM): Tiểu thương ráng cầm cự qua ngày.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết (37 tuổi) là chủ một sạp hàng bán áo quần tại chợ Thanh Đa (P.27, Bình Thạnh) than thở “thu nhập từng đồng từng cắt là có thật, bây giờ bán áo quần vải vóc khó khăn lắm, không chỉ riêng chị mà tất cả các cửa hàng xung quanh đều vậy, một phần do không cạnh tranh lại với bán hàng online, một phần do dịch Covid-19 vừa rồi, kinh tế khó khăn, khách mua thưa dần, có ngày không bán được đồng nào”. Chị Tuyết cho biết thêm, chị còn cầm cự nỗi, ráng thu vén đóng tiền sạp, tiền quản lý chợ, chứ nhiều người đã trả sạp, nghỉ bán, thanh lý hàng tồn kiếm việc làm khác từ lâu.
Cũng như chị Tuyết, chị Thanh (40 tuổi) là chủ sạp vải vóc, mũ nón, tất vớ đối diện. Chị Thanh vừa tranh thủ xỏ thêm hạt cườm vừa chia sẻ “Buôn có bạn, bán có phường chứ có phải người ta nghỉ bán là mình vui đâu, nhưng ế ẩm lắm. Năm nay đúng là năm lịch sử của bán buôn. Tôi phải nhận thêm xỏ hạt cườm cho một công ty tư nhân kiếm thêm ngày năm bảy chục tiền chợ. Thỉnh thoảng có ai mua hàng thì để riêng dành dụm trả tiền thuê mặt bằng, tiền thuê sạp bán và đủ các phụ thu khác, không “thấm béo” vào đâu”.
Không thể tin nổi những ngày cuối năm, chợ càng vắng lặng. |
Ông chú tên Năm có nét già nua của tuổi tác chủ cửa hàng trà rượu bánh trái các loại, mặt mày nhăn nhó khó chịu vẫn chịu khó trả lời câu hỏi của phóng viên “Những ngày cuối năm 2020 buôn bán thế nào hả chú?”. Và câu trả lời:
- Bán ở chợ gần 20 năm nay, chưa năm nào tôi gặp phải tình cảnh éo le như vậy. Thường năm ngoái, vào thời điểm này khách khứa tấp nập, đơn hàng sỉ lẻ vợ con tôi phụ không kịp, ngày bán ba bốn triệu bạc là bình thường, có khi còn hơn. Năm nay thì cầm chừng, bán cho khách lẻ là chủ yếu, cuối năm rồi mà bán ngày 100-200 ngàn đồng, có ngày chỉ vài chục ngàn đồng...
Ngày 2 - Chợ Bà Chiểu (Bạch Đằng, P.1, Bình Thạnh, TP.HCM): Sạp hàng lác đác đóng cửa, cuối năm đìu hiu.
Theo quan sát, tiểu thương buôn bán tại chợ Bà Chiểu cũng không khá hơn mấy so với ở chợ Thanh Đa, có lẽ đã là tình trạng chung. Được biết, giá thuê sạp trong chợ là từ 3 triệu-4 triệu đồng/tháng, đợt đại dịch COVID-19 bùng phát lần 1, hạn chế tụ tập đông người, chợ vắng vẻ, tất cả các ngành hàng trong chợ đều bị ảnh hưởng theo, tiểu thương chỉ biết kêu trời. Đến lần 2, cùng với chỉ thị “giãn cách xã hội”, cấm chợ, rồi những tin đồn thất thiệt không buôn bán được gì, cầm cự không nỗi khiến nhiều quầy hàng đóng cửa, người đóng tạm, người trả hẳn chuyển sang làm việc khác để… “sống tiếp”.
Cô Trần Thị Dân ngoài 50 tuổi, bán hàng mã và các loại đồ cúng cho biết, “mặt hàng của cô tuy bán chậm nhưng còn bán được, chứ ở đây chứng kiến rất nhiều bạn hàng quanh đây đóng cửa nghỉ bán cũng nhiều. Có sạp người này trả, người kia đến thuê, thuê được một tháng thì cũng trả. Nhìn cũng bùi ngùi lắm”.
Sạp hàng bán đồ cúng, vàng mã các loại tuy vắng vẻ nhưng vẫn còn "đỡ" hơn nhiều mặt hàng khác trong chợ. |
Sạp hàng tầm 10 mét vuông chị Khánh sang lại từ một người quen cũ với giá gần 300 triệu trước Tết năm ngoái để kinh doanh thời trang và nhận may đồng phục nhưng thời điểm khi phóng viên hỏi thăm về tình hình kinh doanh, chị cũng lắc đầu ngao ngán “giờ đi hay ở cũng khó, đang ráng cầm cự nhưng không biết được bao lâu”.
Cũng như nhiều tiểu thương kinh doanh thời trang, chị Khánh cho biết, bây giờ khách hàng chọn lựa mua trên mạng là nhiều, và dù chị cũng có lập kênh facebook để quảng cáo và bán hàng nhưng do không rành về mạng xã hội nên cũng không kiếm được khách. Theo chị Khánh, hai đợt dịch dã vừa rồi là nguyên nhân chính của tình trạng ế ẩm chung của những người buôn bán trong chợ. “Một năm ảm đạm!” chị nói thêm.
Chị Trần Thị Yến Vỹ (35 tuổi, chủ sạp bán thực phẩm khô) thở dài: "Hàng Tết rục rịch về nhiều rồi, cửa hàng tôi có đủ các loại khô và thực phẩm Tết, giá cả cũng như năm ngoái, có mặt hàng còn rẻ hơn chút xíu nhưng năm nay phải nói là rất lo lắng, khách khứa thưa thớt, quay đâu cũng thấy người bán như mình, toàn nhìn nhau cười chán chường là nhiều thôi".
"Hàng về nhiều, giá cả cũng như năm ngoái, có mặt hàng còn rẻ hơn... nhưng năm nay, quay đâu cũng thấy người bán, toàn nhìn nhau cười chán chường là nhiều." |
Ngày 3 - Chợ đêm Hạnh Thông Tây (Quang Trung, P.11, Gò Vấp, TP.HCM): Ráng đến qua Tết!
Trong tiết trời se lạnh của Sài Gòn những ngày cuối năm, chợ đêm Hạnh Thông Tây, một trong những chợ sỉ quần áo nhộn nhịp, từ lâu được xem là thiên đường mua sắm của giới trẻ Sài Gòn. Ở đây có nhiều mặt hàng phong phú đa dạng, giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền của học sinh sinh viên nhưng năm nay đã không còn được như mọi năm nữa. Vẫn có khách, nhưng đa số là đi dạo chợ, đi ăn uống vặt vẫn nhiều hơn khách đi mua sắm áo quần.
Chị Lệ (45 tuổi, kinh doanh áo quần shop Ngọc Lệ) cho biết, cũng bán lai rai nhưng chậm hơn mọi năm. Mùa này, đáng ra đã bán được áo ấm, các loại đồ len, áo dài tay và các loại nón mũ các kiểu. Nhưng năm nay lại thưa thớt đến không ngờ. Chị nhẩm tính, giá các mặt hàng áo quần trong các shop ở chợ đều “sàn sàn” không chênh lệch nhau mấy, từ 100 đến 200, 300 ngàn đồng tuỳ kiểu và mẫu mã, giày dép, mũ nón thì trên dưới 100 ngàn đồng. Nhưng mỗi ngày, đêm có khi bán cho được 2,3 khách. May mắn, chị còn bỏ mối cho một số chỗ nên cũng đỡ hơn, có cửa hàng mở ra cho có không khí rồi đóng cửa. Trong khi đó tiền thuê mặt bằng, cửa hàng vẫn phải đóng đều, mọi người chỉ biết ráng động viên nhau bán qua dịp Tết năm nay, rồi tính tiếp”.
Cũng như chị Lệ, vợ chồng chị Thảo và anh Huy là chủ của 2 ki-ot liền kề nhau trước mặt tiền đường Quang Trung, anh chị cho biết, đúng thật là một năm ám ảnh, chưa bao giờ anh chị phải rơi vào tình trạng mang tiền tiết kiệm ra duy trì cửa hàng, cũng vì tin rằng thời gian sắp tới mọi thứ sẽ khá hơn, kinh tế phục hồi và buôn bán sẽ không còn ế ẩm nữa.
Hỏi thêm vợ chồng chị, “liệu anh chị cầm cự được bao lâu nữa?”, câu trả lời “Đây đến qua Tết nếu không khá hơn, phải tính đường khác thôi!”.
Đây đến qua Tết nếu không khá hơn, phải tính đường khác thôi!”. |
Ngày 4 - Chợ Thị Nghè (Phan Văn Hân, P.19, Bình Thạnh, TP.HCM): Cuối năm cũng buôn bán cũng giống ngày thường.
Nghĩa là, những ngày cuối tháng 12/2020, đến chợ vẫn không khác gì những ngày trước đó. Hàng trái cây vẫn chưng bày đủ loại, vẫn gói ghém đủ các kiểu bày san sát nhau, người bán vẫn nhiều mà khách mua thì không bao nhiêu.
Một chủ sạp trái cây cho biết “Không có gì khác cả, bán ngày thường thì ít, ngày Rằm, ngày Lễ thì nhiều. Dịp này chưa thấy dấu hiệu gì của mua hàng Tết”.
Chợ cuối năm cũng "bình thường" như chợ ngày thường. |
Sở hữu một cửa hàng lương thực, thực phẩm trong chợ, bà Thanh (66 tuổi) vừa cân gạo cho khách vừa tâm sự “Nói ế thì cũng không ế lắm, tôi bán ở đây hơn 20 năm rồi, được cái là dù thế nào đi nữa người ta cũng cần gạo cơm, cần thực phẩm để sống. Chỉ có bán không được nhiều như mọi năm. Phần vì trận dịch, hàng hoá lấy về cũng bị ảnh hưởng, phần thì có lẽ do ảnh hưởng công ăn, việc làm, kinh tế khó khăn nên khách mua thường ít lại, xưa mỗi tháng mười mấy hai chục triệu, giờ bán được gần một nửa là mừng. Đó là chỉ riêng về mặt hàng của tôi thôi, chứ những của hàng quanh đây, nghe kể cũng chậm và bán được ít lắm”.
Ở chợ Thị Nghè, ở hàng bán cá thịt vẫn đón tiếp lượng khách đi chợ mỗi sáng như thường ngày, giá thịt heo, thịt bò, các loại cá đều bình ổn theo thị trường đáp ứng nhu cầu của khách. Khi được hỏi về thu nhập thời điểm cuối năm nay thế nào, chị Hương (chủ sạp thịt trong chợ Thị Nghè) cười, cho biết “Ở đây chị bán như những ngày thường thôi, cuối năm nhưng Tết tây thì không khác gì ngày thường cả. Giá thịt heo tuỳ loại giao động từ 120 nghìn đồng – 200 nghìn đồng/ kg. Giá này bán lâu nay, chứ gần Tết Âm lịch chắc sẽ cao hơn nhiều, mà lo không có thịt bán nữa”.
(Còn tiếp)