8 thói xấu của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài

Trong khuôn khổ tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách việt” của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt đã chỉ rõ 8 thói xấu của một bộ phận du khách Việt Nam.
8 thói xấu của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài

Điểm mặt chỉ tên thói xấu người Việt

Theo thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài, kéo theo đó là hàng loạt những thói xấu của người Việt được mang đi “quảng bá” trong mắt bạn bè quốc tế. Những thói hư tật xấu này chỉ nằm trong một bộ phận nhỏ du khách, chưa thực sự phổ biến, nhưng lại không còn là cá biệt, đang mỗi ngày làm xấu đi hình ảnh người Việt, đặc biệt là khi đi ra nước ngoài, nhiều người gọi đích danh là “Làm nhục quốc thể”.

Trong chương trình đàm về vấn đề “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được tổ chức 31/3/2016 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt đã chỉ rõ 8 thói xấu này.

8 thói xấu của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài ảnh 1

Những thói xấu của một bộ phận du khách Việt khi đi du Lịch nước ngoài đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trang phục: Hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ, đi bộ ra ngoài khá phổ biến, thậm chí cả xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo... ở nước ngoài. Đi máy bay trong nước, thỉnh thoảng gặp mấy người Việt mặc đồ ngủ, cá biệt có người cởi trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình.

Ngôn phong: Đầu tiên là việc nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào và chửi thề, từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan, nơi nào cũng oang oang “ngoại ngữ địa phương” như chỗ không người. Nạn chửi thề của các bạn còn rất trẻ, có khi đang học cấp 1, dễ làm người nghe ngộ nhận đó là văn hóa giao tiếp hiện đại. Ra nước ngoài cứ thấy chỗ nào ồn ào nhất, đích thị là khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt Nam.

Tác phong: Người Việt rất ít khi đúng giờ, chẳng vậy mà trong các thư mời của Việt Nam luôn có thêm dòng đề nghị “Tham dự đúng giờ”. Có người còn khẳng định “Không đi trễ không phải người Việt Nam”. Thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác đặc biệt với các đối tác hoặc các đoàn "famtrip" quốc tế (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị - PV) vì bắt cả đoàn phải chờ đợi hoặc chương trình sẽ bị đảo lộn.

Ăn uống: Ẩm thực Việt nam cực kỳ phong phú nhưng văn hóa ẩm thực thì lắm chuyện tréo ngoe. Ăn uống thì ngấu nghiến và hùng hục như “tằm ăn dâu”, ăn xong cứ vô tư ngậm tăm cho người khác biết ta vẫn còn răng để xỉa... Có thể bắt gặp các bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Giữ vệ sinh: Thói quen xả rác và khạc nhổ gần như là thuộc tính của một số du khách Việt. Khi ra nước ngoài tật xấu này dù chỉ còn 1/10 so với trong nước, do môi trường họ quá sạch và sợ bị xử phạt nghiêm khắc nhưng cũng không ít lần vi phạm, bị xử phạt xấu hổ.

Tham quan: Một số người Việt thích trốn vé tàu điện, vé tham quan... có khi còn tự hào xem đó là chiến tích qua mặt được thiên hạ. Đi chơi chủ yếu là để chụp hình, không nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa... Nhiều khách ảo tưởng, cứ tưởng mình là Thượng đế thật, nên hành xử và đòi hỏi phi lý.

Đạo đức: Tật táy máy, thích "cầm nhầm" đồ người khác, nhất là trong các cửa hàng – cửa hiệu nước ngoài, của người Việt là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt. Không chỉ ở Asean, châu Á mà qua tận châu Âu, châu Mỹ.

Xuất khẩu tệ nạn & Lao động chui: Lợi dụng chính sách thông thoáng du lịch, một số phần tử xấu đã tranh thủ “xuất khẩu tệ nạn” sang nước khác trốn lại, cư ngụ bất hợp pháp. Mấy năm gần đây, Thái Lan đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhập cảnh có điều kiện. Thụy Sỹ, Nhật Bản công khai danh tính du khách Việt trộm cắp trong cửa hàng...

Hậu quả nhãn tiền là người Việt bị coi khinh, một số nước miễn thị thực cho Việt nam, cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông của người Việt nam chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (Việt Nam 45 nước so với 167 nước của Singapore) thua cả Lào (46 nước) và Campuchia (47 nước). Chỉ 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông của Việt nam, trong đó gồm 9 nước Asean (Thái Lan, Lào, Singapore, Mianma, Indonesia, Campuchia, Bruney, Philippines, Malaysia) và 4 nước khác là Ecuador, Dominica, Panama và Kyzrgyzstan.

Kêu gọi cùng hành động để nâng cao hình ảnh du khách Việt

Với mong muốn nhân rộng hành vi tốt đẹp, văn minh, đẩy lùi hành vi xấu, lạc hậu trong du khách Việt, các đại biểu tham gia tọa đàm đã kêu gọi sự hưởng ứng và vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý văn hóa, du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các công ty du lịch trong cả nước, các cơ sở đào tạo và đặc biệt là các du khách để thực hiện chương trình “nâng cao hình ảnh du khách Việt”.

8 thói xấu của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài ảnh 2

Bộ quy tắc du lịch văn minh được công ty TransViet Travel xây dựng.

Theo đó, Công ty TransViet Travel đã triển khai, xây dựng bộ quy tắc du lịch văn minh được in thành tờ rơi và phát cho du khách. Bộ quy tắc gồm 3 phần

Phần 1: Cư xử văn minh 10 khuyến cáo nên/ không nên khi đi du lịch. Ví dụ, khuyên khách không nên gây ồn ào, xếp hàng trật tự, không lãng phí thức ăn, không vứt rác bừa bãi. Thực hiện các điều này để giữ hình ảnh đẹp của du khách Việt Nam văn minh, lịch sự.

Phần 2: Tuân thủ pháp luật: 10 điều luật bắt buộc phải làm trước và trong khi đi du lịch. Ví dụ, không lấy những gì không thuộc về mình, không ở lại quá thời hạn quy định hoặc trốn ở lại quốc gia đến. Du khách Việt cần thực hiện các điều này nếu không thì có thể bị nhận những hậu quả như bị phạt hay bị trục xuất hoặc thậm chí bị giam giữ.

Phần 3: Du lịch có hiểu biết: 10 điều du khách nên biết để cư xử văn minh, tránh được những điều không hay và thu nhận được tối đa những ích lợi từ chuyến đi. Ví dụ, nên tìm hiểu trước về điểm đến. Tránh tới các địa điểm không bảo đảm an ninh. Nên quan sát và học tập văn hóa ứng xử văn minh ở nước ngoài để cho thể áp dụng cho cuộc sống thường ngày. Và nên tự trọng, tự tin, tự tôn và có trách nhiệm với hình ảnh quốc gia qua từng hành động lớn hay nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel cho biết: “Qua thực tế triển khai cho thấy, nếu được tuyên truyền, nhắc nhở, du khách đã hạn chế đáng kể những hành vi xấu, kém văn minh lịch sự. Du khách trong các đoàn cũng vui vẻ đoàn kết hơn do không còn sự khó chịu gây ra bởi những hành vi xấu của những người đi trong đoàn”

V.Từ

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Đăng Khoa)
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) - Chiều 6/5, Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
Công chiếu phim do AI viết kịch bản
(Ngày Nay) - Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
Ông Tập ca ngợi quan hệ Pháp-Trung
(Ngày Nay) - Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp chiều ngày 5/5 (giờ Paris), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước.