1. Tiêu cực chưa từng có trong thi cử
Từ trước đến nay, có lẽ chưa bao giờ có vụ án tiêu cực lớn như mùa thi 2018. Từ một số bất thường trong điểm thi, nhiều học sinh có điểm thi thử thấp nhưng thi chính thức lại đạt điểm rất cao khiến dư luận đặt nghi vấn về điểm thi liệu có thực chất ở một số tỉnh, thành phía Bắc. Bộ GD&ĐT, Bộ Công an vào cuộc. Kết quả, đã có hàng trăm bài thi có can thiệp điểm số được phát hiện ở Hà Giang và Sơn La. Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc. Một số thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó.
Bộ GD&ĐT cho biết, liên quan đến sai phạm thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam là 11 (trong đó: Hà Giang 2; Sơn La 6; Hòa Bình 3). Số thí sinh đã bị xử lý là 151 trường hợp (trong đó: Hà Giang 114; Sơn La 29 và Lạng Sơn 8).
Điều đáng nói, ngoài Hà Giang, những thí sinh nâng điểm sau khi bị phát hiện đã trả lại điểm số thực, “đánh bật” suất học các trường top đầu của những thí sinh gian lận, trong khi đó ở Hòa Bình, Sơn La đến thời điểm này sự thật vẫn chưa được sáng tỏ.
2. Quốc hội thông qua Luật giáo dục đại học sửa đổi
Năm 2018, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học được sửa đổi. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 11 với 84% số phiếu. Luật Giáo dục Đại học đã được sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới một điều; bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật. Luật mới thông qua đã tạo ra hành lang pháp lý để các trường ĐH Việt Nam tự chủ.
Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế năm 2018. Ảnh: Như Ý |
3. Học sinh việt nam Giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của học sinh và đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước, một năm qua đi, ngành giáo dục cũng đã gặt hái được nhiều thành công từ nghiên cứu khoa học, giành nhiều huy chương từ các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực.
Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế các môn văn hóa tiếp tục đạt thành tích cao với 38/38 học sinh phổ thông dự thi Olympic quốc tế và khu vực có huy chương - thành tích tốt nhất từ trước đến nay, trong đó có học sinh đạt số điểm cao nhất thế giới. Một số đội tuyển có thành tích ổn định, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi như Toán, Vật lý, Tin học. Theo Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, thành tích học sinh thi đấu ở các đấu trường quốc tế và khu vực năm sau được nâng cao so với năm trước.
Việc tổ chức thành công Olympic Vật lý châu Á năm 2018 tại Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về giáo dục phổ thông cũng như về đất nước, con người Việt Nam.
4. Lần đầu Việt Nam có các trường đại học lọt top châu lục và thế giới
Lần đầu tiên, có đến 2 cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam lọt top 1.000 trường đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings), đó là ĐH Quốc gia TPHCM nằm trong nhóm 701- 750, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801 - 1.000. Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 6 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018. Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp vị trí thứ 13, ĐH Quốc gia TPHCM ở vị trí 142. ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291 - 300, ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301 - 350, ĐH Huế ở nhóm 351 - 400 và ĐH Đà Nẵng xếp thứ 417.
5. Bạo lực học đường, báo động đạo đức nhà giáo
Nhiều người cho rằng, vụ gian lận thi cử khiến họ bàng hoàng, phẫn nộ thì liên tiếp những vụ bạo lực học đường với hình thức mới, mức độ nặng nề khiến họ đau lòng, mất niềm tin vào một bộ phận thầy cô.
Sự việc phải kể đến, đó là cô giáo Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè Trần Thị Minh Châu bạo hành tinh thần học sinh bằng cách im lặng suốt 3 tháng (tháng 4/2018); Cô giáo Trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) xử phạt học sinh bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng (tháng 4/2018); Tháng 11/2018 cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) xử phạt học sinh bằng cách cho tất cả học sinh trong lớp tát bạn 231 cái… Đau đớn và chấn động hơn là những ngày cuối tháng 11/2018, nhiều nam học sinh một trường phổ thông dân tộc nội trú ở Phú Thọ tố hiệu trưởng Đinh Bằng My hiếp dâm trong thời gian dài. Cơ quan chức năng đã xác minh và khởi tố Đinh Bằng My, cho thấy sự thật kinh hoành đã được phơi bày.
Theo chiều hướng ngược lại là những sự vụ giáo viên bị học trò hoặc phụ huynh xâm phạm: Nam sinh Bến Tre nhục mạ và bóp cổ cô giáo trước mặt cả lớp; nam sinh Quảng Bình đâm thủng bụng thầy giáo. Đầu tháng 12, một nữ phụ huynh vào tận trường học ở Bạc Liêu chửi mắng và quay clip đăng Facebook xúc phạm thầy giáo vì cái quần của con gái bị mất và mới đây nhất là học sinh đánh thầy giáo phải nhập viện.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, |
6. Thiếu SGK và câu chuyện độc quyền
Vào đầu năm học mới 2018-2019, một số địa phương từ Bắc chí Nam rơi vào tình trạng thiếu SGK cục bộ đối với những lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6, lớp 10). Trong đó, ở các thành phố lớn, tình trạng khan hiếm SGK diễn ra khá nghiêm trọng như Hà Nội, TPHCM. Câu chuyện thiếu SGK chỉ là bề nổi của tảng băng chìm đã tồn tại rất lâu trong ngành giáo dục. Đó là tình trạng độc quyền SGK, lãng phí SGK.
Những bất cập trong in ấn, phát hành SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị báo chí mổ xẻ, trong đó có việc cho in bài tập ngay trong SGK, buộc học sinh phải mua mới mỗi năm. Mỗi năm NXB này in tới 100 triệu bản SGK khiến các bậc phụ huynh phải chi khoảng 1.000 tỷ/năm cho việc mua SGK mới. Từ vấn đề đó, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục và đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm giữa nhà biên soạn và phát hành sách hay không?
Với loạt bài tiên phong của báo Tiền Phong về thực trạng nói trên, nhiều đại biểu quốc hội và các chuyên gia đã lên tiếng chất vấn mạnh mẽ vấn đề này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải giải trình trước công luận, Bộ GD&ĐT thừa nhận có tình trạng lãng phí trong in ấn và sử dụng SGK. Hy vọng với Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới tình trạng độc quyền, lãng phí SGK sẽ được khắc phục.
7. Chuyến tàu vét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư
Đầu năm 2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm 2016.
Trong đó, có 85 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, 1.141 người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Như vậy, số lượng đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao hơn năm trước là 534 người. Việc số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến vì “chuyến tàu vét 174” (Quyết định 174 về xét, công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư phó giáo sư), năm cuối cùng công nhận theo tiêu chuẩn cũ, cùng với những lùm xùm quanh chuyện tiêu chuẩn công nhận đã khiến dư luận dậy sóng. Ngay lập tức, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát lại hồ sơ các ứng viên. Kết thúc đợt rà soát, có 41 hồ sơ đã không đủ điều kiện.
8. Những văn bản “trên trời”
Năm 2018 cũng là năm chứng kiến nhiều văn bản “trên trời” của Bộ GD&ĐT. Tiêu biểu là Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung cấp sư phạm từ 2018 -2020 dự kiến 750 tỷ đồng. Tiếp đó là Dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp. Trong Dự thảo này quy định sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị đuổi học. Hai văn bản này của bộ đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, buộc phải thu hồi.
9. Quy định “điểm sàn” cho ngành Sư phạm
Tại kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018, Bộ GD&ĐT bãi bỏ điểm sàn xét tuyển đại học. Tuy nhiên, để nâng cao đầu vào và đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng được 9 - 10 điểm/3 môn vẫn đỗ sư phạm như kỳ tuyển sinh năm 2017, Bộ GD&ĐT vẫn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường ĐH, CĐ Sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐH Sư phạm là 17 điểm, CĐ là 15 điểm và trung cấp sư phạm là 13 điểm.