Sau Guadalajara (Mexico) vào năm 2022, thành phố Accra được chọn làm Thủ đô Sách Thế giới, dựa trên những hoạt tập trung mạnh mẽ vào giới trẻ cùng tiềm năng đóng góp vào nền văn hóa và sự giàu có của Ghana.
Accra đề xuất kế hoạch sử dụng sức mạnh của sách nhằm thu hút những người trẻ, như một cách hiệu quả để nâng cao kỹ năng cho thế hệ tiếp theo, khuyến khích phát triển kỹ năng nghề nghiệp để kích thích sự chuyển đổi kinh tế xã hội của đất nước.
Chương trình cũng hướng đến các nhóm có mức độ mù chữ cao bao gồm phụ nữ, thanh niên, người di cư, trẻ em lang thang và người khuyết tật. Các biện pháp được thực hiện bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng trường học và cộng đồng và hỗ trợ thể chế cho việc học tập suốt đời, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động như giới thiệu các thư viện di động để tiếp cận các nhóm yếu thế; tổ chức các hội thảo để thúc đẩy việc đọc và viết sách bằng các ngôn ngữ khác nhau của Ghana; thành lập các trung tâm đào tạo và kỹ năng cho thanh niên thất nghiệp; và tổ chức các cuộc thi giới thiệu nghệ thuật và văn hóa của Ghana.
Đặc biệt, kế hoạch đề xuất của Accra cũng chú trọng đến khía cạnh nhân quyền, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền tự do thông tin và ngôn luận, xây dựng dựa trên việc thúc đẩy các quyền này cũng như tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới.
Accra là thành phố thứ hai mươi ba mang danh hiệu Thủ đô Sách Thế giới kể từ năm 2001, sau Madrid (2001), Alexandria (2002), New Delhi (2003), Anvers (2004), Montreal (2005), Turin (2006), Bogota (2007), Amsterdam (2008), Beirut (2009), Ljubljana (2010), Buenos Aires (2011), Erevan (2012), Bangkok (2013), Port Harcourt (2014), Incheon (2015), Wroclaw (2016), Conakry (2017), Athens (2018), Sharjah, (2019) ) và Kuala Lumpur (2020), Tbilisi (2021), Guadalajara (2022).
Ủy ban Tư vấn Thủ đô Sách Thế giới của UNESCO bao gồm đại diện của Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn các Hiệp hội Thư viện Quốc tế (IFLA), Diễn đàn Tác giả Quốc tế (IFA) và UNESCO.