Ai cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh trường Việt Úc? - Bài 2: Giấy “công nhận” là gì?!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo điều tra của Phóng viên Ngày Nay, chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, tại Đại học Hồng Bàng có 6 sinh viên từng là học sinh của trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC) trúng tuyển.

Điều đáng nói, theo hồ sơ lưu trữ của các sinh viên thì có trường hợp (bản photocopy công chứng) có bằng tốt nghiệp THPT do Sở GDĐT TP.HCM cấp, một số khác (bản photocopyp công chứng) là bản công nhận “Là bằng tốt nghiệp THPT đã đăng ký tại Sở GDĐT TP.HCM” có chữ ký và con dấu của ông Lê Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM.

“Lập lờ đánh lận”?

Cụ thể, trong số 6 sinh viên là cựu học sinh trường SIC hiện đang theo học tại trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, chúng tôi được biết, có 3 sinh viên khoá 2021 và số còn lại là sinh viên năm cuối đang theo học tại đây.

Ai cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh trường Việt Úc? - Bài 2: Giấy “công nhận” là gì?! ảnh 1

Nhiều học sinh của trường THPT Quốc tế SIC có giấy "công nhận" để vào đại học.

Theo điều tra của Phóng viên Ngày Nay, hồ sơ lưu trữ của sinh viên H.V.K, sinh năm 2001 (vì lý do các em là nạn nhân của người lớn trong vụ việc này, chúng tôi xin viết tắt hoặc đổi tên nhân vật), nộp cho trường Đại học quốc tế Hồng Bàng có bản Công nhận là “Bằng tốt nghiệp THPT đã đăng ký tại Sở GDĐT TP.HCM” (được photocopy có công chứng tại văn phòng Công chứng Nguyễn Kim Chi, Quận 1, TP.HCM), cùng với bảng điểm do Hội đồng học thuật Bang Tây Úc (SCSA) cấp, trong đó thể hiện chi tiết về kết quả học tập từng môn học của học sinh.

Điều đáng nói, bản Công nhận “Là bằng tốt nghiệp THPT đã đăng ký tại Sở GDĐT TP.HCM” mà trường SIC công bố trên Website lại được “bảo chứng” từ bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc do SCSA. Trên bằng do WACE cấp, chữ Certificate in chìm, có câu Having… và có chữ ký của người nước ngoài. Trong khi, bản photocopy công chứng của sinh viên H.V.K đang lưu trữ tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, công nhận “Là bằng tốt nghiệp THPT đã đăng ký tại Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM” lại “bảo chứng” bằng là con dấu và cái gọi là “chứng chỉ”, “bảng điểm WASSA” có chữ Certificate, nhưng có tới 3 cái logo thay vì 1 cái như trên bằng của WACE cấp. Chữ ký trên “chứng chỉ” là của bà Tô Hà Uyên, hiệu trưởng Trường SIC.

Oái oăm ở chỗ, theo thông tin trên Website của trường THPT Quốc tế Việt Úc thông báo rõ các nội dung sau: Học sinh theo học sẽ được học theo chương trình duy nhất là chương trình THPT của Bang Tây Úc (Western Australian Certificate of Education - WACE), được kiểm định và quản lý chất lượng bởi Hội đồng Học thuật Bang Tây Úc (School Curriculum Standards Authority - SCSA). Chương trình THPT của Bang Tây Úc do SIC giảng dạy cho phép học sinh theo đuổi và có cơ hội nhận được Bằng tốt nghiệp THPT của WACE do SCSA cấp.

Để có thể đạt được Bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc và điểm xếp hạng ATAR sử dụng cho việc xét tuyển vào các trường đại học cũng như xem xét xin học bổng, học sinh phải học các môn cấp độ ATAR. Môn học theo cấp độ ATAR sẽ khó hơn và yêu cầu cao hơn về mặt học thuật được quy định chặt chẽ bởi SCSA so với các môn học cấp độ GENERAL.

Vào cuối Lớp 12, học sinh đăng ký học các môn ở cấp độ ATAR phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc, trong khi học sinh đăng ký học các môn ở cấp độ GENERAL Lớp 12 chỉ thực hiện các bài kiểm tra do Hội đồng học thuật Úc cung cấp (Externally Set Task) để tính điểm cho các môn học. Học sinh Lớp 12 đăng ký học môn EALD ATAR phải tham dự Kỳ thi Thực hành trực tiếp với Hội đồng Học thuật Bang Tây Úc được thực hiện qua internet.

Học sinh chọn học các môn cấp độ GENERAL sẽ không đủ điều kiện để nhận Bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc mà chỉ nhận được Bảng điểm WASSA (Đa số các trường Đại học tại Úc yêu cầu học sinh phải học thêm 1 năm Foudation - dự bị, trước khi đủ điều kiện để nhập học Năm 1 Đại học tại Úc. Đối với các quốc gia khác, phụ huynh cần lưu ý phải tham khảo thông tin điều kiện đầu vào các trường Đại học mong muốn trước khi quyết định chọn môn và cấp độ môn học trong năm Lớp 11 và 12).

Người có bằng tốt nghiệp của Sở GDĐT TP.HCM cấp, người chỉ được cấp giấy Công nhận

Từ đó có thể thấy, giấy công nhận mà học sinh N.H.K có được là tiêu chí dành cho học sinh học ở cấp độ GENERAL nên không có bằng WACE.

Vô lý hơn, trong hồ sơ lưu trữ của sinh viên đang học tại trường Quốc tế Hồng Bàng có ít nhất 3 sinh viên có bản sao photocopy chứng thực bằng tốt nghiệp THPT. Cụ thể, sinh viên N.T.H.N sinh năm 2003, có bản sao y do UBND P.Đông Hưng Thuận (Q.12, TP.HCM) xác thực. Ngạc nhiên ở chỗ, Hội đồng thi tốt nghiệp của em học sinh N.T.H.N lại là… Sở GDĐT TP.HCM và chữ ký trên bằng tốt nghiệp do ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM ký.

Ai cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh trường Việt Úc? - Bài 2: Giấy “công nhận” là gì?! ảnh 2

Bảng giới thiệu điều kiện để nhận Bằng tốt nghiệp THPT Bang Tây Úc.

Tuy nhiên, em học sinh này còn có học bạ do cô N.L.Thuỷ (giáo viên chủ nhiệm lớp 10), N.T.T Xuân (Thuộc Ban Giám hiệu SIC) ký xác nhận.

Câu hỏi đặt ra là “bằng tốt nghiệp” của các học sinh này ai làm? Từ đâu mà có khi không thi tốt nghiệp? Đáng nói hơn, khi đưa số hiệu và thông tin bằng của sinh viên này để tra cứu trên cổng thông tin của Sở GDĐT TP.HCM thì không truy cập được!

Trong khi chương trình đào tạo của trường THPT Việt Úc là chương trình THPT của Bang Tây Úc, được kiểm định và công bố kết quả theo 2 tiêu chí: Học sinh học xong nếu đạt chuẩn và dự thi THPT thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Úc còn không đạt thì sẽ được cấp bảng điểm, kết quả học tập. Tuy nhiên, theo điều tra của Phóng viên Ngày Nay, thời gian qua, không ít học sinh trường THPT Việt Úc đang theo học tại Trường Đại học Hồng Bàng lại có bằng tốt nghiệp THPT do Sở GDĐT TP.HCM cấp.

Thật khó lý giải vì sao cùng một trường mà có học sinh học xong được cấp bằng tốt nghiệp WACE, có học sinh thì dùng giấy công nhận và có học sinh lại có bằng tốt nghiệp THPT, theo bản photocopy công chứng lưu tại trường Hồng Bàng là do Sở GDĐT TP.HCM cấp?

Chỉ trong vài năm, tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã lộ ra 6 sinh viên có bằng tốt nghiệp hoặc giấy “công nhận” được đánh tráo bằng “chứng chỉ” hay bảng điểm của trường THPT Quốc tế Việt Úc. Vậy suốt hơn 15 năm qua (từ 2004 đến nay) có bao nhiêu học sinh học tại trường THPT Quốc tế Việt Úc được cấp bằng tốt nghiệp của Bang Tây Úc, của Sở GDĐT TP.HCM? Bao nhiêu học sinh được công nhận tốt nghiệp theo giấy công nhận, dù thực tế không có bằng tốt nghiệp của WACE?

Một điều lạ nữa, trường THPT Quốc tế Việt Úc là cơ sở giáo dục công lập và chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GDĐT TP.HCM nên liệu có “hiểu lầm” hay “nhập nhằng” giữa chương trình đào tạo với việc quản lý tốt nghiệp của học sinh?

Bài 3: Sở GDĐT TP.HCM khẳng định không cấp bằng cho trường Việt Úc?

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.