Sở nói gà, trường nói vịt
Ngày 27/4, Phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã liên lạc với trường THPT Việt Úc (SIC). Đại diện nhà trường ghi nhận các thông tin liên quan đến vụ việc và hứa sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía nhà trường vẫn không có phản hồi.
Cùng ngày, chúng tôi đã đến Sở GDĐT TP.HCM để gặp lãnh đạo làm rõ các vấn đề xảy ra tại trường Việt Úc. Tại đây, nhân viên của Sở không cho phóng viên đến gặp Ban lãnh đạo hoặc những Phòng - ban có liên quan. Nhân viên tại đây yêu cầu để lại nội dung làm việc và sẽ trình cho lãnh đạo.
Phóng viên đã để lại nội dung cụ thể như sau, vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh trường THPT quốc tế Việt Úc lo lắng và bức xúc vì con em họ học xong chương trình nhưng có nguy cơ không được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của các em sau này.
Được biết, việc thành lập trường Việt Úc là theo chủ trương của Sở GDĐT TP.HCM trong những năm qua. Để có thông tin đầy đủ và chính xác về vụ việc này, cũng như hướng giải quyết quyền lợi chính đáng cho các học sinh, phụ huynh, rất mong Sở GDĐT TP.HCM sắp xếp buổi làm việc với phóng viên trong thời gian sớm nhất để trấn an tinh thần học sinh cũng như dư luận. Mặc dù vậy, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phúc đáp của lãnh đạo Sở GDĐT.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đến trường Đại học Hồng Bàng (HIU) để xác thực các thông tin có liên quan đến học sinh tốt nghiệp trường quốc tế Việt Úc học tại đây. Ngày 10/5, đại diện nhà trường trả lời qua thư điện tử với chúng tôi với nội dung như sau: "...sau khi nhận thông tin HIU đã kiểm tra hồ sơ học sinh từ Trường Việt Úc, có 03 bạn trong năm 2021 đang theo học tại HIU; các em đều có bằng tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục TP.HCM cấp".
Ngày 14/5, Phóng viên phản hồi lại thông tin với trường Đại học Hồng Bàng có nội dung: "Sau khi nhận được phản hồi của phía nhà trường liên quan đến thông tin có 3 bạn trong năm 2021 trong năm 2021 đến từ Trường Việt Úc đang theo học tại HIU đều có bằng tốt nghiệp THPT do Sở GDĐT TP.HCM cấp. Căn cứ những thông tin mà chúng tôi thu thập được thì các sinh viên này không thi tốt nghiệp, do đó khả năng đây là những bằng tốt nghiệp THPT được cấp khống".
"Để có những thông tin rõ ràng, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc hoặc những thông tin xác thực bằng tốt nghiệp của các học sinh trên là khống mà phóng viên thu thập được, đề nghị quý nhà trường hỗ trợ giúp đỡ những vấn đề sau: (1) - Chụp/scan bằng tốt nghiệp của các em để phóng viên tiện xác thực thông tin một cách rõ ràng, minh bạch. (2) - Hỗ trợ phóng viên trong việc kết nối với 3 em học sinh (nay là sinh viên của HIU) bằng hình thức cung cấp số điện thoại để cho các em được nói rõ sự việc. (3)- Đề nghị quý nhà trường hỗ trợ trong việc rà soát thông tin, trong 15 năm qua (2007 đến nay) có bao nhiêu học sinh Trường Việt Úc đã học tập tại HIU.
Ngày 17/5, đại diện nhà trường tiếp tục phản hồi: "...hiện HIU đang gửi công văn lên sở để xác minh văn bằng của các em, sẽ nhanh chóng phản hồi đến anh kết quả ngay sau khi nhận được phúc đáp của Sở".
Nhiều học sinh trường Việt Úc học tại trường Đại học Hồng Bàng
Sau nhiều lần liên lạc với trường Đại học Hồng Bàng, ngày 06/6, Phóng viên Ngày Nay có buổi làm trực tiếp với lãnh đạo nhà trường. Đại diện của nhà trường xác nhận qua rà soát hồ sơ từ năm 2019 đến nay, có đến 6 học sinh của trường Việt Úc đang theo học tại trường Đại học Hồng Bàng.
Đại diện nhà trường, PGS.TS Lê Khắc Cường - Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo xác nhận có quy tắc 5 là phương thức phỏng vấn đối với sinh viên quốc tế hoặc sinh viên học trường quốc tế phải có bằng THPT trung học hoặc tương đương nước ngoài.
Trường Đại học Hồng Bàng xác nhận có 3 học sinh được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp THPT. |
Căn cứ để HIU nhận vào là có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương do nước ngoài cấp thì có xác nhận của cơ quan chức năng được ở Việt Nam công nhận. Nhà trường chỉ nhận khi có đầy đủ xác nhận văn bằng.
Ông Cường phân tích, đặc biệt là học sinh Việt Nam đi học nước ngoài hoặc các chương trình ở Việt Nam mà gọi là chương trình quốc tế thì đều phải có xác nhận của Sở hoặc Sở cấp. Văn bằng đại học thì do Hiệu trưởng cấp, còn văn bằng THPT thì do Giám đốc Sở cấp... Ông Cường cho rằng, ông Lê Hồng Sơn làm sai thì ông Sơn phải chịu trách nhiệm (?!)
Ngày 07/6, Phóng viên đã liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM để cung cấp thông tin, hiện nay có một số học sinh trường THPT quốc tế Việt Úc (SIC) theo tiêu chuẩn đào tạo thì học sinh chỉ có thể có bằng Wace do Bang Tây Úc cấp hoặc có chứng chỉ học hết 12 và bảng điểm.
Tuy nhiên, hiện có một loạt sinh viên có bằng THPT do Sở GDĐT TP.HCM cấp (có chữ ký của ông Hiếu). Để có thông tin khách quan, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Sở, cũng như gọi điện tới số máy của ông Hiếu nhưng không được phản hồi. Bất đắc dĩ, chúng tôi đã nhắn tin này qua điện thoại. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Hiếu đã có phản hồi: "Vấn đề này anh trao đổi với anh Nam - Phó Giám đốc phụ trách mảng này…".
Chúng tôi đã gọi điện cho ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT để đi đến tận cùng của sự việc. Ông Nam nói, ông Hiếu cho sai chỗ rồi. Về vấn đề này phải gọi cho anh Quốc (Phó Giám đốc Sở - PV). Sau đó, ông Nam tiếp tục đề nghị có văn bản gửi đến Sở và sẽ trả lời, nói qua điện thoại không hết ý.
Phóng viên khẳng định, đã có văn bản gửi trực tiếp nhưng đến nay chưa có phản hồi. Ông Nam cho rằng, không nắm được thông tin này nên chứng tỏ thông tin chưa tới Sở.
Ít phút sau, ông Lê Hoài Nam chủ động gọi điện thoại lại cho chúng tôi. Ông Nam cho biết, sau khi kiểm tra lại thì xác nhận không cấp bằng của Việt Nam. Theo nguyên tắc, các trường quốc tế học tại Việt Nam, sau khi mang bằng quốc tế về có thể xác nhận tương đương để học các trường tại Việt Nam là theo quy định chứ không phải cấp bằng.
Chúng tôi khẳng định, ngoài giấy chứng nhận, học sinh còn được cấp bằng tốt nghiệp THPT do Sở GDĐT TP.HCM cấp với chữ ký của ông Nguyễn Văn Hiếu. Ông Nam cảm ơn và nói, sẽ cho kiểm tra lại.
Cấp, mua bán, sử dụng bằng giả có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Đào Kim Lân – Đoàn luật sư TP.HCM phân tích, học sinh có quyền đăng ký học các môn ở cấp độ ATAR hay GENERAL là quyền chọn lựa của cá nhân người học. Theo như Ngày Nay đề cập thì việc chọn lựa cấp độ học trên tinh thần tự nguyện.
Giả sử, học sinh đăng ký học các môn ở cấp độ ATAR phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc và đạt số điểm theo quy định thì sẽ được cấp bằng của Bang Tây Úc. Lúc này, người học xem như vừa có bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc và vừa có bằng tốt nghiệp THPT tiếng Việt.
Trong khi đó, học sinh đăng ký học các môn ở cấp độ GENERAL Lớp 12 chỉ thực hiện các bài kiểm tra do Hội đồng học thuật Úc cung cấp để tính điểm cho các môn học. Học sinh chọn học các môn cấp độ GENERAL sẽ không đủ điều kiện để nhận Bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc mà chỉ nhận được Bảng điểm WASSA theo quy định của quốc gia Úc là đương nhiên.
Luật sư Lân nêu vấn đề, nếu học sinh lựa chọn môn học cấp độ GENERAL và chỉ được Bảng điểm WASSA mà Sở GDĐT TP.HCM cấp bằng Tốt nghiệp hoặc giấy Công nhận “là chứng nhận tốt nghiệp THPT” khi không đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp của Bang Tây Úc thì trình học thuật không thể tương đương với người có bằng tốt nghiệp THPT ở Việt Nam.
Do đó, nếu thông tin từ Ngày Nay là chính xác thì cần phải xem xét lại việc cấp giấy Công nhận này của Sở GDĐT TP.HCM. Trong trường hợp, học sinh trường THPT Quốc tế Việt Úc thi tốt nghiệp để được cấp bằng tốt nghiệp thì liệu có phù hợp với nguyên tắc liên kết đào tạo?
Trong quá trình chờ xét tuyển để nộp hồ sơ vào học tại trường, các cơ sở đào tạo đại học phát hiện có thông tin/nghi vấn bằng cấp của học sinh được làm giả thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý. Nếu biết học sinh sử dụng các giấy tờ, tài liệu được làm giả mà không trình báo sẽ dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp và liên đới chịu trách nhiệm hình sự (nếu có).
Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"
Luật sư Đào Kim Lân đúc kết vấn đề, cần phải phân biệt rõ giữa việc “hoàn thành chương trình học” khác với “đã tốt nghiệp THPT” để lấy bằng WACE (Bằng Tú Tài Úc – PV) mà ngay chính Hội đồng học thuật Bang Tây Úc đã quy định rất rõ ràng!