Quỹ BENAA là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Cairo, hoạt động với mục tiêu trao quyền cho thanh niên thông qua các dự án phát triển bền vững tại Ai Cập, khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Với phương châm "Xây dựng năng lực, Xây dựng cộng đồng", BENAA tập trung nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và khuyến khích cộng đồng tham gia.
BENAA đã xây dựng một lớp học sinh thái độc đáo, sử dụng chai nhựa tái chế làm vật liệu xây dựng và đất sét để cách nhiệt. Lớp học này không chỉ là một không gian học tập sáng tạo mà còn là biểu tượng cho cam kết của BENAA đối với tính bền vững và giáo dục. Dự án này được thực hiện trong khuôn khổ "Chiến dịch cắt giảm rác" do UNESCO và nhóm lãnh đạo thanh niên ESD tổ chức.
Bắt đầu dự án lớp học sinh thái bằng chai nhựa tái chế, BENAA đã đối mặt với nhiều khó khăn không nhỏ. Từ việc thu thập đủ chai nhựa, đảm bảo độ bền cho công trình đến việc tìm kiếm nguồn tài liệu tham khảo về xây dựng bằng vật liệu tái chế tại Ai Cập, tất cả đều là những thách thức mà họ phải vượt qua.
Tại Ezbet Eshaq, một khu dân cư nhỏ quanh vùng đất nông nghiệp ở El-Fayoum, dự án xây dựng lớp học sinh thái của BENAA đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ cộng đồng địa phương. Rasha Emad Eldin, đồng sáng lập Quỹ BENAA chia sẻ: "Người dân Ezbet Eshaq vô cùng nhiệt tình và coi dự án của chúng tôi là cơ hội để cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em, đồng thời cùng nhau học hỏi và bảo vệ môi trường."
Dự án xây dựng lớp học sinh thái nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân. Ảnh: UNESCO |
Tất cả người dân địa phương đều tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng lớp học sinh thái. Từ việc đưa ra những ý tưởng sáng tạo đến hỗ trợ đổ đầy cát vào chai nhựa, họ đã thể hiện sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. BENAA cũng phát động một chiến dịch kêu gọi sinh viên kiến trúc tình nguyện tham gia xây dựng lớp học. Rasha cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là kết nối cộng đồng thành thị và nông thôn trao đổi kiến thức và truyền đạt cho những kiến trúc sư mới về kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu phế thải rắn và nguồn nguyên liệu tự nhiên."
Dự án này cũng góp phần vào sáng kiến quốc gia về giáo dục phát triển bền vững (ESD) của Ai Cập cho năm 2030, phù hợp với các mục tiêu được đặt ra trong lộ trình ESD đến năm 2030 của UNESCO.