Sau 5 năm trùng tu, Ai Cập đã chính thức mở cửa trở lại nhà thờ Hồi giáo Sulayman Pasha al-Khadim, nhà thờ Hồi giáo đầu tiên tại Ai Cập theo phong cách kiến trúc Ottoman, nằm bên trong thành cổ Cairo.
Điểm nổi bật của nhà thờ này là kiến trúc độc đáo gồm 22 mái vòm lát gạch màu xanh lá cây và minbar (hốc cầu nguyện) được khảm bằng gạch Iznik nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo này rộng 2.360 m2 nằm trên khu vực ngôi mộ của Sayed Sariya từ thời nhà Fatimid, được xây dựng vào năm 1140 sau Công nguyên và vẫn còn tồn tại.
Người đứng đầu Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, ông Mostafa Waziri, cho biết đặc điểm để phân biệt các nhà thờ Hồi giáo Ottoman là tháp giáo đường (minaret) thường có hình bút chì.
Nhà thờ Hồi giáo này bao gồm khu vực cầu nguyện, khu vực lân cận, nghĩa trang Fatimid và Kuttab (trường dạy kinh Koran).
Nhà thờ Hồi giáo Ottoman này được gọi là nhà thờ Hồi giáo Suleyman Pasha al-Khadim hay nhà thờ Hồi giáo Sariya, được thống đốc Sulayman Pasha al-Khadim xây dựng bên trong thành cổ Cairo vào năm 1528 sau Công Nguyên, 11 năm sau khi quân đội Ottoman dưới thời Sultan Selim chinh phục Ai Cập từ đế chế Mamluk.
Thành cổ Cairo được tướng Hồi giáo Salah al-Din xây dựng, sau khi ông chinh phục Cairo từ nhà Fatimid. Vài năm sau, Salah al-Din tiếp tục chinh phục Jerusalem từ tay quân Thập tự chinh.
Công việc trùng tu nhà thờ này mất 5 năm dưới sự giám sát của Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập và Tổ chức Công nghiệp hóa Arab thuộc quân đội Ai Cập.