Tình trạng phá rừng ở Brazil đã đạt tầm cao mới trong 4 tháng đầu năm, theo dữ liệu công bố hôm thứ Sáu của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi các cánh rừng.
Tổng cộng có 1.202 km2 rừng đã biến mất trong rừng Amazon kể từ đầu năm 2020 cho tới nay. Đây là mức tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và là con số cao nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ khi hồ sơ hàng tháng bắt đầu được ghi nhận vào tháng 8/2015.
Những con số đặt ra câu hỏi mới về việc Brazil liệu có bảo vệ tốt khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu và ủng hộ việc mở rộng hoạt động khai thác lâm nghiệp.
Năm ngoái, trong năm đầu tiên tại vị của Tổng thống Bolsonaro, nạn phá rừng đã tăng 85% ở Brazil, lên tới 10.123 km2 rừng.
Sự tàn phá được thúc đẩy bởi các vụ cháy rừng kỷ lục xảy ra trên khắp rừng Amazon, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10.
Erika Berenguer, một nhà sinh thái học tại Đại học Oxford và Lancaster của Anh cho biết: "Đầu năm không phải là thời điểm nạn phá rừng thường xảy ra, bởi lúc này đang là mùa mưa. Trước đây, khi chúng ta chứng kiến nạn phá rừng gia tăng vào đầu năm, đó là một dấu hiệu cho thấy mùa phá rừng bắt đầu".
Ông Bolsonaro tuần này đã ủy quyền cho quân đội triển khai đến Amazon để chống cháy và phá rừng từ ngày 11/5.
Tổng thống Brazil cũng đã triển khai quân đội vào năm ngoái tới rừng Azamon, sau khi phải đối mặt với những chỉ trích quốc tế về việc hạ thấp các đám cháy rừng.
Theo Bolsonaro, cơ quan môi trường IBAMA đã phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự và ngân sách.
Một vấn đề khác với chiến lược bảo vệ rừng của chính quyền Bolsonaro, đó là quá chú trọng vào việc dập tắt các đám cháy.
Điều đó bỏ qua thực tế là các đám cháy thường được gây ra bởi những người nông dân và chủ trang trại bất hợp pháp đang tàn phá rừng Amazon, theo nhà nghiên cứu Berenguer.
Chỉ giải quyết các đám cháy "giống như uống paracetamol nếu bị đau răng: nó sẽ làm giảm cơn đau, nhưng nó không phải là liều thuốc đặc trị".