Ấn Độ đang đánh cược vào tiềm năng của ngành Du lịch Y tế và đang nỗ lực tận dụng xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Du lịch Y tế (medical tourism) là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám chữa bệnh bằng hình thức phẫu thuật và không phẫu thuật (chỉ khám và điều trị), khác với du lịch sức khỏe (wellness tourism) thiên về nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ thư giãn tăng cường sức khỏe cả thể chất, tinh thần.
Chi phí thấp, các công nghệ y tế mới nhất, đội ngũ y bác sỹ có tay nghề cao và khả năng kết hợp các hình thức trị liệu hiện đại và truyền thống là một số yếu tố quan trọng khiến Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Khoảng 2 triệu bệnh nhân từ 78 quốc gia đang đến với Ấn Độ mỗi năm để tận hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị.
Theo báo cáo của Clinic Spots, một công ty tư vấn y tế ở Mumbai, điều trị ung thư, cấy ghép nội tạng, các quy trình nha khoa như dán sứ, trồng răng, làm răng giả, các loại phẫu thuật liên quan đến hàm mặt, cũng như phẫu thuật thẩm mỹ là các dịch vụ y tế được săn đón nhất ở Ấn Độ.
Tiến sỹ Sankaran Sundar, chuyên gia cấp cao tại Viện cấy ghép thận Aster ở Bengaluru, cho biết chi phí điều trị y tế ở Ấn Độ thấp hơn ít nhất 10 lần so với ở Mỹ.
Ông lấy ví dụ cấy ghép thận ở Ấn Độ mất khoảng 10.000 USD. Trong khi đó, chi phí này ở Singapore là khoảng 100.000 USD, còn ở Mỹ là khoảng 400.000 USD.
Một thủ thuật trồng răng có chi phí khoảng 2.800 USD ở Mỹ có thể được thực hiện ở Ấn Độ với khoảng nửa giá đó. Một cuộc giải phẫu thông động mạch nếu làm ở Mỹ phải mất khoảng 57.000 USD, nhưng ở Ấn Độ chỉ mất 3.300 USD.
Bên cạnh đó, hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, hay còn gọi là Ayurveda, là một điểm hấp dẫn lớn đối với các du khách.
Ayurvedic là một phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện đã có từ nhiều thế kỷ trước bắt nguồn từ miền bắc Ấn Độ.
Đây là một hình thức điều trị bao gồm sự khỏe mạnh của cơ thể, tâm trí và tinh thần. Hình thức điều trị này khuyến khích người bệnh xem xét cả ba tiêu chí khi quản lý các vấn đề sức khỏe.
Ấn Độ đang chủ động quảng bá y học bản xứ và các kỹ thuật điều trị kết hợp, cũng như cung cấp ưu đãi về tài chính cho việc xây dựng các trung tâm chuyên về các hình thức y học truyền thống.
Nước này cũng dự định cấp visa Ayush, là một loại visa đặc biệt dành cho du khách quốc tế muốn đến Ấn Độ để tiếp nhận các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền.
Lĩnh vực du lịch y tế của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 21,1%/năm từ năm 2020-2027. Thị trường du lịch y tế của Ấn Độ hiện có trị giá 7,417 tỷ USD và chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng gấp ba lần doanh thu từ ngành này lên 13 tỷ USD trong vòng bốn năm tới.
Ấn Độ đã cấp visa y tế cho 165 quốc gia, cho phép du khách quốc tế ở lại nước này trong 60 ngày và được phép nhập cảnh ba lần trong khoảng thời gian này.
Để nới lỏng các quy định về visa và ngoại hối cho các du khách y tế và nâng cao sự minh bạch trong hệ thống này, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến "Heal In India" (tạm dịch: Chữa lành ở Ấn Độ). Cổng trực tuyến một điểm đến này cũng sẽ hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài trong xuyên suốt chuyến du lịch y tế của họ tại Ấn Độ.
Ông Mansukh Mandaviya, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, cho biết Ấn Độ sẽ trở thành một trung tâm du lịch y tế toàn cầu, trong bối cảnh nước này đang “hướng đến một tương lai thịnh vượng và khỏe mạnh bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế”.