Cái xóm có hồi nào và bao nhiêu tuổi?
Trên con đường Bờ Hồ hướng về đoạn cuối cùng của khóm Long Hưng 2, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, khu vực giáp ranh xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có ngã rẽ. Cạnh đấy, có cái xóm nhỏ nằm ven đường và ở đây người dân quen gọi bằng cái tên thân thuộc là xóm ốc. Xóm ốc rất khó tìm bởi lẽ nó nằm tít trong nhánh rẽ, chỉ khi đi và hỏi thăm những người bán hàng gần đó thì mới tìm được đến cái xóm nhỏ này.
Cái lò nấu được làm bằng xi măng không thể thiếu đối với cư dân ở đây - Ảnh: Tô Văn |
Đến xóm ốc vào buổi sáng, dễ bắt gặp cảnh yên bình, vắng lặng. Bởi từ tờ mờ sáng, hầu như tất cả cư dân trong xóm đều tủa ra đi bắt ốc hay cào hến. Đến giữa trưa hay đầu giờ chiều, không khí ở đây mới nhộn nhịp. Mọi người tập trung lại từng khu vực, họ khiêng, vác, nấu, gỡ lấy thịt ốc, hến mang đi bán hoặc làm thức ăn cho lươn. Với họ, ốc, hến là nguồn kinh tế chính.
Xóm nhỏ, khung cảnh hoang sơ, tứ bề sông nước. Và những hàng cây, những cầu bê tông bắc qua kênh... xen lẫn là những lò ốc bốc khói nghi ngút, những xác vỏ ốc được rải đầy hai bên vệ đường. Nhiều người đi ngang qua cứ ngỡ mình đang lạc vào một thế giới ốc... Gọi là xóm, nhưng chỉ cỡ chục mái nhà. Hầu hết các căn nhà được lợp bằng thiếc, hai bên vách quây bằng bạt che mưa gió, nền đất... đặc trưng của những ngôi nhà vùng sông nước.
Ông Đàng cho biết: “Nghề này đã có từ hồi xa xưa và cũng đầy ắp những gian nan” - Ảnh: Tô Văn |
“Tôi sống ở đây gần 40 năm, cái xóm ốc này có thể bằng tuổi của tôi. Hầu như khắp xóm ai cũng sống bằng nghề mò ốc, cào hến ven sông. Nghề này của chúng tôi đã có từ hồi xa xưa và cũng đầy ắp những gian nan. Tại nơi đây, cư dân bám sông bám nước thì đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt, chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình hàng giờ dưới nước, chịu được cái nắng gay gắt buổi trưa.
Để bắt được những con ốc, hến nằm sâu dưới lòng kênh, chúng tôi phải đắm mình nhiều giờ dưới nước. Lúc thì chúng tôi bơi dưới lòng kênh, lúc chỉ thấy chóp tóc nổi lên, lúc thì lặn mất tăm mất tích”, ông Nguyễn Văn Đàng (63 tuổi, ngụ khóm Long Hưng 2, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên), bộc bạch.
Ốc, hến ngày càng khan hiếm - Ảnh: Tô Văn |
Cũng theo ông Đàng, ông đã ngót nghét hơn vài chục năm gắn bó với nghề ngụp lặn dưới con kênh. Nghề này bấp bênh lắm, hôm nào may mắn thì mò được nhiều cũng đủ sinh sống qua ngày, bữa nào trống lòng xuồng, thất thu thì cũng đành phải chịu. Ốc, hến ngày càng khan hiếm nên việc bắt ốc, cào hến phải di chuyển đến vùng lân cận khiến công việc càng trở nên khó khăn.
Ông Ba (65 tuổi) than thở: “Thời trai trẻ, tôi làm đủ thứ nghề. Sau này, về cái xóm này thấy ông Đàng mưu sinh với nghề bắt ốc, cào hến nên gia đình tôi cũng đi theo. Vất vả lắm, mà giá ốc, hến bán được rẻ bèo, cũng chẳng được bao nhiêu”, ông Ba nói. Gần đây, nhiều hộ nuôi lươn đặt mua ốc làm mồi, nên giá có nhích lên...
Bức tranh buồn bên chiếc lò không khói
Vài năm về trước, cái xóm ốc này, bình quân một ngày bắt được hàng chục tấn ốc, hến. Một không khí nhộn nhịp, người cân ốc, người nấu, gỡ, đổ vỏ và khói của lò nghi ngút bay cả vài cây số tạo một mùi đặc trưng riêng biệt. Nhưng năm nay, lò thì lạnh tanh. Ai ai cũng méo mặt. Các vuông lươn đang nằm chờ… mồi ốc đem tới.
Số lượng ốc sáng quá ít nên ông Đàng kêu vợ đem bán ở chợ - Ảnh: Tô Văn |
Bà Nguyễn Thị Ngán (60 tuổi, ngụ khóm Long Hưng 2, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Con nước năm nay quái lạ thật, về đã chậm, khi về lại lên nhanh rồi rút nhanh, chúng tôi không kịp trở tay. Ốc, hến năm nay không còn kể cả cá, nguồn thủy sản hình như cạn kiệt.
Năm nay con nước kỳ lạ khiến cư dân ở đây bắt ốc hay cào hến thất thu - Ảnh: Tô Văn |
Cái xóm này chỉ còn vài hộ đi bắt ốc hay cào hến rồi về nấu lò thôi, chứ mấy hộ khác người ta treo lò, treo xuồng. Các vuông lươn bây giờ họ cho lươn ăn được nấu bằng cá lai tạp, không còn thức ăn bằng ốc. Chú thấy đấy, giờ này cái xóm vắng lặng vì mọi người tìm công việc khác hết rồi”, bà Ngán nói.
Chiếc lò không còn khói nằm chênh vênh - Ảnh: Tô Văn |
Có những gia đình đã sống hơn 30 năm ở đây, con cái cũng lớn lên với xóm ốc này cũng đeo theo nghề. Trong xóm, có khoảng vài chục đứa trẻ, còn nhỏ nhưng chúng biết giúp cha mẹ gỡ hay luộc ốc, biết nấu cơm hay làm công việc nhà mỗi khi đi học về. Giờ thì, tương lai sẽ ở không... Đa phần dân của xóm ốc bây giờ đều đi làm thuê, làm hồ, số ít làm nghề buôn bán hàng rong.
Nguồn ốc, hến năm nay khan hiếm nên một số cư dân treo xuồng, treo lò - Ảnh: Tô Văn |
"Làm thợ hồ mệt lắm, nhưng có khi làm cả tháng mà chủ không có tiền trả, thế là đành đi vay mượn khắp nơi chống chọi cho qua tháng mới. Những tháng trời mưa nhiều, công trình ngưng làm thì chúng tôi cũng hết việc, hết tiền. Còn nghề bắt ốc hay cào hến, gỡ ốc… tuy vất vả nhưng chúng tôi sống ổn định. Riêng năm nay, thì chúng tôi hầu như thất thu, thôi đành cam chịu với hoàn cảnh làm này”, anh Thuận (35 tuổi), than thở.